Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết trong năm 2012 trên phạm vi toàn cầu đã có tới 7 triệu người bị chết vì ô nhiễm không khí, và ô nhiễm không khí đã trở thành mối nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc này lưu ý rằng số ca tử vong nói trên cao gấp đôi so với ước tính trước đó, nghĩa là cứ 8 ca tử vong trên thế giới năm 2012 có 1 ca liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều này cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường giảm thiểu ô nhiễm bên trong và bên ngoài nơi ở của người dân, để có thể tiết kiệm sinh mạng của hàng triệu người trong tương lai.
Theo bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách y tế công cộng và môi trường xã hội của WHO, những rủi ro từ ô nhiễm không khí hiện nay lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ hay hiểu biết trước đây, đặc biệt là đối với bệnh tim và đột quỵ, bởi những ca tử vong vì ô nhiễm không khí chủ yếu là ca bệnh tim, đột quỵ hay bệnh phổi mãn tính. Ngoài ra còn có các ca liên quan đến ung thư phổi hay nhiễm trùng cấp đường hô hấp.
Báo cáo của WHO nêu rõ các nước nghèo và thu nhập trung bình ở Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương chịu tác động nặng nề nhất với 3,3 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 ca tử vong vì ô nhiễm ngoài trời năm 2012.
Ô nhiễm khói bụi tại tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: Skynews |
Flavia Bustreo, một chuyên gia hàng đầu về sức khỏe gia đình của WHO cho biết ô nhiễm trong nhà chủ yếu là do nấu ăn bằng than, củi, hay sinh khối và trên thế giới có khoảng 2,9 tỷ người sống trong các ngôi nhà sử dụng than, củi, hay phân gia súc phơi khô làm nhiên liệu nấu ăn chính. Phụ nữ và trẻ em - đặc biệt là ở những nước nghèo - là những người chịu rủi ro cao nhất từ ô nhiễm trong nhà.
Còn ô nhiễm ngoài trời chủ yếu đến từ giao thông, sản xuất điện, khí thải công nghiệp và nông nghiệp, hoạt động sưởi ấm nhà ở và nấu ăn. Nghiên cứu của WHO cho thấy mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời đã tăng đáng kể ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có dân số đông, thông qua công nghiệp hóa nhanh chóng, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi Cơ quan nghiên cứu ung thư của WHO (IARC) trên cơ sở một nghiên cứu tiến hành trong năm 2013 đã khuyến cáo rằng không khí chúng ta đang thở có chứa những chất gây ung thư.
Carlos Dora, một chuyên gia khác về y tế công cộng của WHO, đã kêu gọi các chính phủ cần có và thực hiện chính sách phát triển bền vững, các cơ quan y tế cần chú trọng đến tuyên truyền và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, bởi ô nhiễm không khí quá mức thường là một sản phẩm phụ của chính sách phát triển không bền vững trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, quản lý chất thải và công nghiệp. Ngoài ra, có được một chiến lược y tế lành mạnh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời cải thiện sức khỏe con người và cắt giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Tú