Theo báo cáo của Văn phòng Kiểm toán khu vực Provence-Alps-Riviera đăng tải trên báo địa phương Var-Matin, người dân nộp thuế ở Pháp đã phải chi hơn 1 triệu euro (26 tỷ đồng) mỗi năm để trả lương cho ít nhất 30 “công chức” tại thành phố phía Nam Toulon.
Những “công chức ma” này đều nhận được các khoản thưởng và tăng lương đều đặn dựa trên thâm niên theo quy định của nhà nước, mặc dù không còn làm công chức trong 25 năm.
Một công chức sau khi bị mất việc thậm chí đã mở một nhà hàng, tiếp nhận công việc quản lý thay vì đến cơ quan mỗi ngày. Có lần người này còn được chính quyền triệu tập để giải thích về công việc kinh doanh vì nó “không phù hợp với hoàn cảnh của một công chức”. Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện vẫn xảy ra như cũ và ông vẫn nhận được lương đều đặn.
Điều tra ban đầu cho thấy, 30 “công chức ma” trên bị mất việc khi một đơn vị cấp nước tại thành phố Toulon được tư nhân hóa vào những năm 1990. Tuy nhiên, giới chức địa phương đã không tìm được công việc thay thế cho họ, và vì vậy vẫn phải tiếp tục trả lương.
“Thật đáng tiếc khi phải nói rằng thành phố không đủ khả năng để tìm công việc mới cho một số nhân viên, đặc biệt là những người trẻ”. Bài viết cũng chỉ trích những người nhân viên “ăn không ngồi rồi” nhận khoản lương của nhà nước và chờ đợi cho đến tuổi nghỉ hưu mà không hề báo cáo lại.
Không ai trong số 30 người liên quan phải đối mặt với các vấn đề kỷ luật hay bồi thường vì đã hưởng lương cho công việc không tồn tại.
Đây không phải là lần đầu tiên Pháp phát hiện trường hợp trả lương cho công chức không còn làm việc. Vào năm 2016, một quan chức nhà nước đã bị phát hiện được trả hơn 504.000 euro (13 tỷ đồng) suốt 10 năm mà không làm việc. Người đàn ông 55 tuổi này đã nhận được mức lương 3.731 euro/tháng với chức vụ “Tổng giám đốc dịch vụ” tại tòa thị chính thành phố Ste-Savine, gần Troyes, miền Đông nước Pháp. Một vụ việc tương tự xảy ra vào năm 2015, khi một người Pháp đã được công ty đường sắt nhà nước SNCF chi trả hơn 5.041 euro/tháng (132 triệu đồng) dù không đi làm mỗi ngày.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh người dân Pháp ngày càng bức xúc với sự cồng kềnh và lười biếng của lĩnh vực công. Trong một báo cáo của Bộ Kinh tế công bố hồi tháng Ba, hơn 300.000 công chức thường không làm đủ số giờ bắt buộc 35 giờ/tuần.
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu cơn giận dữ của dư luận, Tổng thống Pháp Emanuel Macron cam kết sẽ cắt giảm 120.000 việc làm trong lĩnh vực công vào năm 2022, để tạo điều kiện cắt giảm thuế và giảm 60 tỷ euro chi tiêu công. Tuy nhiên, việc sa thải theo kế hoạch cũng đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng cam kết sẽ thông qua luật buộc người lao động phải thực sự xuất hiện trong 35 giờ làm việc, siết chặt tình hình nhân viên nghỉ nhiều hơn năm tuần.