Đa phần các phóng viên điều tra tại Mỹ tin rằng Chính quyền Washington đang kiểm soát điện thoại, thư điện tử hay các hoạt động liên lạc trên mạng.
Kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 5/2 cho biết trong số 671 thành viên của tổ chức "Phóng viên và Biên tập viên điều tra" - một tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các phóng viên hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia, đối ngoại hay chính quyền liên bang - 64% cho biết họ "có cảm giác" đang bị các cơ quan an ninh giám sát. Trong khi đó, có tới 71% nghi ngờ chính phủ đang theo dõi hoạt động nghiệp vụ của họ.
Cũng theo khảo sát trên, một nửa số nhà báo được hỏi cho rằng các chủ tờ báo chưa có các hành động thỏa đáng bảo vệ các phóng viên cũng như nguồn cung cấp tin trước hoạt động giám sát của chính quyền. Hơn 50% cho biết họ không được đào tạo hay hướng dẫn trong vấn đề đảm bảo an ninh điện tử.
14% các nhà báo tham gia khảo sát nhận định mối lo ngại về hoạt động giám sát đã ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của họ trong vòng 12 tháng qua, chẳng hạn như khiến họ ngần ngại trong việc theo đuổi một vấn đề hay liên lạc với nguồn tin, hay thậm chí cân nhắc từ bỏ nghề phóng viên điều tra.
Trong một chiều hướng tích cực hơn, 49% nhà báo cho biết quan ngại trên đã thúc đẩy họ thay đổi cách thức lưu trữ và chia sẻ các thông tin nhạy cảm, và 29% đã áp dụng thêm các biện pháp bảo mật trong liên lạc với các phóng viên, biên tập viên hay chủ tòa báo.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều nghi vấn chính quyền Mỹ đang chuyển hướng tăng cường giám sát đối với các phóng viên nhằm ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ thông tin an ninh quốc gia. Đặc biệt sau một tiết lộ gần đây liên quan tới thông tin về một nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đóng giả làm phóng viên hãng tin AP để điều tra một đe dọa đánh bom.
Trung tâm nghiên cứu Pew nhận định cuộc khảo sát mới nhất này đã vẽ nên một bức tranh phức tạp về hoạt động báo chí điều tra. Mặc dù phần lớn e ngại hoạt động do thám của chính quyền, song cơ quan trên không cho rằng vấn đề này nghiêm trọng đến mức cần thay đổi phương thức tác nghiệp báo chí hay thậm chí đầu tư công sức để tìm hiểu vấn đề trên. Bên cạnh đó, 97% các phóng viên được hỏi cho rằng tiện ích từ các hình thức thông tin liên lạc như thư điện thử hay điện thoại đối với hoạt động báo chí vẫn lớn hơn nguy cơ từ hoạt động do thám.
TTXVN/Tin tức