Korogocho là một trong những khu ổ chuột lớn nhất tại thủ đô Nairobi, Kenya. Với diện tích 1,5 km2, nơi đây là địa bàn sinh sống của 150.000 - 200.000 người, trong đó có gia đình 5 người của Lucy. Nhưng từ năm ngoái, Lucy đã đủ điều kiện để chuyển đến sống tại một khu ngoại ô gần đó, nơi có tỉ lệ tội phạm thấp hơn, để an cư lạc nghiệp.
Những phụ nữ Kenya tham gia dự án EFI. |
Từng phải sống cuộc đời chật vật của một trẻ vị thành niên tại Korogocho, trước khi bước sang tuổi 16, Lucy rơi vào con đường mại dâm. Không chỉ vất vả trang trải cuộc sống cho ba mụn con, Lucy còn chăm sóc cả cháu trai sau khi chị gái cô qua đời vì căn bệnh thế kỷ AIDS. Nhưng cuộc sống của cô đã thay đổi kể từ ngày cô tham gia vào dự án thời trang “Ethical Fashion Initative” (EFI).
Bên dưới một mái tôn, Lucy cùng những công nhân của dự án EFI ngồi quây thành vòng tròn, đơm từng chiếc cúc và luồn từng đường kim mũi chỉ trên sản phẩm của các nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Cách đây 5 năm, Lucy bắt đầu làm lại cuộc đời với vai trò của một cô thợ may tại EFI. Giờ đây, với tay nghề của mình, người phụ nữ gần 40 tuổi này đã trở thành một giám sát viên của EFI.
Sau khi được hoàn thành tại Korogocho, các sản phẩm may mặc sẽ trải qua một hành trình dài để được bày bán tại các cửa hàng thời trang cao cấp quốc tế với nhãn mác của những thương hiệu tên tuổi như Vivienne Westwood, Fendi hay Stella McCartney tại các kinh đô thời trang Paris (Pháp), Milan (Italy), New York (Mỹ) và London (Anh). Nhìn những con đường lầy lội bùn đất tại khu ổ chuột đông đúc Korogocho, ít ai có thể tin rằng những mặt hàng thời trang được tạo ra tại đây lại được bày bán ở những cửa hàng sang trọng. Trên thực tế, EFI còn đang từng ngày góp phần xóa đói giảm nghèo cho cuộc sống túng quẫn của những người phụ nữ Kenya như Lucy.
“Trước khi có EFI, tôi không đủ tiền cho các con ăn học. Nhưng giờ tôi đã có thể cho chúng đến trường và mua những gì chúng muốn”, Lucy chia sẻ. Vừa nói, cô vừa thoăn thoắt đơm những chiếc cúc vào tấm da có màu chocolate trơn nhẵn.
Hoạt động tại Kenya là một phần trong dự án EFI được xây dựng theo mô hình “cùng có lợi”, nhằm hỗ trợ những cộng đồng người có hoàn cảnh khó khăn thông qua con đường liên kết họ với các thương hiệu và nhà phân phối thời trang nổi tiếng thế giới. Mặc dù sẽ phải mất hàng tháng trời làm việc, những công nhân ở đây mới kiếm đủ tiền để mua chính những sản phẩm xa xỉ do chính họ làm ra như túi, quần áo... được bày bán với giá hàng trăm USD tại các phố thời trang trên thế giới, nhưng bù lại họ có công ăn việc làm ổn định, điều kiện làm việc tốt và được đào tạo kỹ năng hành nghề.
Trong số hơn 5.000 người tham gia dự án ở Kenya, có 90% là phụ nữ. Các nhà tổ chức cho biết khoảng 90% số công nhân ở Kenya đã sửa sang được nhà cửa, và gần 85% giờ đây có khả năng mua những loại thực phẩm tốt hơn cho gia đình.
Có được thành quả như vậy là nhờ nỗ lực của Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ thành công đó, dự án đã mở rộng từ Kenya đến Burkina Faso, Ghana, Haiti. Trong tương lai, dự án này đang nhắm đến mục tiêu tiếp tục mở rộng trên lục địa đen và lan sang châu Á.
Ông Arancha Gonzalez, người điều hành dự án, cho biết đây là một cách bền vững giúp cải thiện cuộc sống con người. Theo ông Gozalez, khẩu hiệu của dự án là “không phải từ thiện, đơn giản là việc làm”. “Chúng tôi gọi đây là dự án đạo đức vì chúng tôi trao công việc tốt, điều kiện làm việc ổn định cho những người cơ cực, và quan trọng nhất là nó góp phần giữ gìn nhân phẩm của người phụ nữ”, ông Gonzalez chia sẻ.
Anh Minh (Theo ASI/AFP)