Ra đời vào những năm 1950, thị trấn Akademgorodok từng được coi là nơi đáng sống nhất ở Liên bang Xôviết bởi nơi đây tập trung giới trí thức, những nhà khoa học đầy nhiệt huyết sáng tạo được chính quyền trung ương ưu tiên mọi điều kiện cả vật chất lẫn tinh thần để họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho khoa học.
Một góc thị trấn Akademgorodok. |
Nhưng cùng với sự tan rã của Liên Xô, thị trấn nằm ở ngoại ô thành phố chính Novosibirsk tại khu vực Siberia này đã bị rơi vào quên lãng một thời gian dài cho đến gần đây.
Akademgorodok theo tiếng Nga có nghĩa là “thành phố hàn lâm nhỏ” nhưng nay thị trấn này còn mang một biệt danh khác là “Rừng Silicon” - đối trọng với “Thung lũng Silicon” của Mỹ. Biểu tượng của sự hồi sinh này là một tòa nhà khổng lồ màu cam, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty kỹ thuật cao, đặc biệt trong các lĩnh vực sinh học và công nghệ nano.
"Akademgorodok là nhà tiên phong khoa học ở Siberia," ông Vassily Fomin, Phó Giám đốc Viện Hàn lâm Nga tại khu vực Siberia đã nói như vậy về thị trấn được xây dựng từ năm 1957 dưới thời nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev.
Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nguồn kinh phí cho khoa học đã bị cắt giảm phần lớn và điều không tránh khỏi là tình trạng “chảy máu chất xám” khi những nhà khoa học tài danh lần lượt tìm đường ra nước ngoài. Thống kê cho thấy tình trạng chảy máu chất xám ở Nga lên tới 20% trong các lĩnh vực như sinh học. Tuy nhiên, những người ở lại Akademgorodok đã tìm mọi cách để tiếp tục gắn bó với khoa học và cống hiến cho đất nước. Ông Fomin cho biết: "Chúng tôi đã tồn tại được qua thời điểm khó khăn nhờ sự giúp đỡ của các viện hàn lâm nước ngoài. Họ tài trợ cho chúng tôi, ký hợp đồng với chúng tôi và mời chúng tôi cộng tác trong nhiều chương trình. Chúng tôi đã học được cách làm việc hiệu quả và trách nhiệm, cách biên tập và trình bày kết quả nghiên cứu một cách thông minh để có thể giành được tài trợ”.
Nhận thức được nhu cầu phải hiện đại hóa để bắt kịp với các nền kinh tế phương Tây cùng những con rồng, con hổ đang lên ở châu Á, và nhất là không thể chỉ phát triển dựa vào nguồn lợi giàu mỏ, chính phủ Nga đang từng bước cải thiện tài chính và thổi sức sống mới cho “Thành phố hàn lâm nhỏ”. Công nghệ và sáng tạo đang dần lấy lại vị thế trong danh sách ưu tiên của chính phủ sau một thời gian dài bị quên lãng.
Phát biểu tại Diễn đàn "Innoprom-2012" tổ chức tại Ekaterinburg mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh, mọi lĩnh vực sản xuất và hoạt động, trước hết trong công nghiệp, cần phải thông minh. Nga cần phát triển các mạng thông minh, đường sá thông minh và các cơ sở sản xuất thông minh. Việc áp dụng kỹ thuật - công nghệ thông minh sẽ góp phần làm tăng hiệu quả các quá trình sản xuất. Thủ tướng Medvedev thông báo, chính phủ Nga đã đề ra nhiệm vụ đến năm 2020 tạo ra ít nhất 25 triệu việc làm hiệu quả, trước hết trong các ngành không phải là nguyên - nhiên liệu, tăng năng suất lao động lên 1,5 - 2 lần và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ chốt như chế tạo máy bay, đóng tàu, sản xuất ô tô, dược phẩm và luyện kim. Một nhiệm vụ quan trọng khác là khuyến khích phát triển doanh nghiệp và làm thay đổi quan điểm của dân chúng đối với giới doanh nghiệp, vì hoạt động doanh nghiệp là một trong những nguồn chủ yếu để phát triển đất nước. Chính phủ Nga cũng đề ra mục tiêu đến năm 2018 lọt vào nhóm 20 nước có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất trên thế giới.
Thủ tướng Medvedev đã biến khu Skolkovo ở ngoại ô Mátxcơva trở thành trung tâm sáng tạo của Nga, nhưng những hiệu quả của sự thay đổi về quan điểm cũng có thể cảm nhận được ở Akademgorodok. Thị trấn này hiện là “đất lành” của nhiều công ty công nghệ cao nổi tiếng toàn cầu như nhà sản xuất trò chơi điện tử Alawar Entertainment.
"Trong vài năm trở lại đây chúng tôi có cảm giác mối quan tâm tới khoa học đã quay trở lại", ông Pavel Kostrikov, một nhà cựu nghiên cứu hiện làm việc tại trung tâm triển lãm ở Akademgorodok nói.
"Trước đây, các sinh viên thực hiện nghiên cứu của họ nhưng khi đã có được tấm bằng là họ rời sang phương Tây làm việc. Hiện nay nhiều người đã ở lại nhờ mức lương ở các trường đại học đang được cải thiện và bên cạnh đó những người làm khoa học cũng được cung cấp chỗ ở tiện nghi”. Minh chứng điều ông Kostrikov nói là những tòa nhà mới đang mọc lên trên khắp thành phố.
"Ở đây, điều kiện sống tốt hơn đáng kể so với các nơi khác ở Nga”, ông Kostrikov nói. "Điều quan trọng nhất là một sự năng động tích cực đã được khơi lại”.
Ngân An (theo AFP)