Một buổi sáng đẹp trời trong công viên Brussels. Mọi người đi dạo và cùng hít thở không khí trong lành của buổi sáng mùa hè mát mẻ. Trên bãi cỏ, các thanh niên đang dán mắt vào màn hình điện thoại di động. Kể từ khi nơi này trở thành điểm bắt Pokémon trong trò chơi Pokémon Go, ngày nào cũng có các nhóm thanh niên tập trung ở đây để săn con vật ảo Pokémon.
Tại những địa điểm công cộng ở thủ đô Brussels có rất nhiều thư viện đường phố mà người qua đường có thể tìm được những cuốn sách quý. |
Trên một ghế băng ở công viên, một cuốn tiểu thuyết được đặt giữa những tờ giấy ghi dòng chữ : “Tôi là cuốn sách bị bỏ rơi, hãy nhặt tôi, đọc tôi và đưa tôi trở lại với thiên nhiên”. Một người đàn ông đi dạo cùng chú chó dừng lại một cách tò mò nhưng rồi lại bỏ đi. Một người khác ngồi xuống ghế, cởi áo khoác ngoài nhưng không để mắt đến cuốn sách ở bên cạnh.
Mười phút sau, một phụ nữ che mạng tiến đến gần, nhìn ngó xung quanh rồi bỏ đi. Cuối cùng, Jacques, người đàn ông 56 tuổi, tiến thẳng đến ghế, cầm cuốn sách lên xem rồi cất vào ba lô của mình. “Tôi đã nghe nói đến sáng kiến này trong bản tin thời sự trên kênh RTBF. Tôi nghĩ rằng người ta để cuốn sách cho ai đó. Theo tôi, ý tưởng này thật tuyệt nhưng với điều kiện mọi người đặt sách vào một nơi khác sau khi đã đọc xong”, ông Jacques nhấn mạnh.
Đây cũng chính là mục đích của Aveline Grégoire, nữ hiệu trưởng một trường học, người mới đây đã sáng lập nhóm Facebook “Săn sách”. “Tôi có ý tưởng này khi cùng đi săn Pokémon với các con của tôi. Tôi tự nhủ vậy tại sao không mang văn học ra để thay thế trò chơi này?”, chị Aveline Grégoire tâm sự.
29.000 nghìn thành viên, những người yêu thích văn học, đã gia nhập cộng đồng trên mạng Facebook. Mỗi giờ, các thành viên đăng ảnh nơi họ để sách với chỉ dẫn hoặc một địa chỉ cụ thể. Những ai muốn đi “săn” sách vào buổi tối có thể đến Lasne, Gerpinnes, Bastogne, Berchem-Saint-Agathe hoặc Liège. Còn ban ngày, mọi người có thể “săn” ở Brussels.
Phố phường trở thành thư viện
Thư viện đường phố tồn tại ở rất nhiều nơi trong thành phố. “Sự khác biệt là người ta không phải bị bắt buộc đi tìm sách. Những người qua đường có thể ngẫu nhiên tìm thấy một tác phẩm. Mục đích đầu tiên của tôi là thu hút mọi người đọc sách”, chị Aveline Grégoire chia sẻ.
Trước khi dự án ra đời, thư viện đã được đặt tên là “Những người săn sách”. “Cần phải chọn một nơi có đông người qua lại. Tôi thường đặt sách tại các bến tầu điện ngầm hoặc tại các nơi dành cho người đi bộ, trên những kệ bằng gỗ”, chị Aveline cho biết.
Trên một chiếc ghế dài, dưới chân một bức tượng hay trên bậc thềm đầu tiên ở nhà thờ, những người giấu “kho vàng” cố gắng sáng tạo để lại món quà ở chỗ mà người ta không ngờ tới. Đôi khi, cuốn tiểu thuyết còn đi kèm với một chỉ dẫn lộ trình những chuyến đi trước đó hay một bình luận về một tình tiết nào đó. Mỗi người có những trải nghiệm riêng và cùng chia sẻ trên mạng xã hội.
Đây là một ý tưởng tốt nhằm lôi kéo giới trẻ rời xa trò chơi ảo. Hy vọng, dự án sẽ lan truyền mạnh mẽ để kéo giới trẻ trở về với thực tại hơn là say mê săn lùng con vật ảo.