Sáng kiến phủ xanh thành phố London

“Bằng việc trồng thêm cây xanh tại các cộng đồng dân cư, chúng ta đang chung tay biến thành phố này thành một nơi dễ chịu hơn để sống và làm việc. Tôi rất vui mừng khi thấy các dự án này đang tạo nên những không gian xanh mới trên toàn thủ đô và tôi kêu gọi mọi người hãy cùng ra ngoài, cầm lấy xẻng và trồng cây".

Cây mới được trồng trên đường tại quận Ealing ở London.


Đó là lời kêu gọi của Thị trưởng thành phố London, Boris Johnson, trước đợt thứ ba và cũng là mới đây nhất của Sáng kiến trồng cây đường phố (Street Tree Initiative) do chính ông khởi xướng nhằm trồng thêm hàng chục nghìn cây mới để phủ xanh cho thủ đô của xứ sở sương mù.

Những công viên nổi tiếng như Hyde, Regent's, Holland và các vườn thực vật Hoàng gia ở thủ đô London của Vương quốc Anh từ lâu đã được biết đến qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật điện ảnh. Những không gian xanh bao la này không chỉ là niềm tự hào của người dân London về thủ đô của mình mà còn góp phần cùng các danh thắng khác tạo thành những quần thể văn hóa độc đáo thu hút một lượng khách du lịch khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan mỗi năm.

Tuy nhiên, cùng với quy mô dân số thủ đô ngày càng đông kéo theo sự gia tăng các phương tiện xe cộ và công trình xây dựng mới, chất lượng không khí của London đã suy giảm và tình trạng ngột ngạt, ô nhiễm đã xuất hiện tại nhiều khu vực nội đô. Xuất phát từ thực tế này nên khi trở thành Thị trưởng London sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010, ông Boris Johnson đã đề ra hàng loạt kế hoạch nhằm mang lại diện mạo mới cho thủ đô, trong đó có sáng kiến trồng cây trên phố.

Sáng kiến trồng cây đường phố với sự tham gia của các đối tác Ủy ban Lâm nghiệp và "Groundwork London" (tổ chức từ thiện chuyên về các hoạt động cải tạo môi trường) là một phần trong các kế hoạch rộng lớn hơn của Thị trưởng Johnson nhằm biến London thành một thành phố xanh hơn - trong đó bao gồm cả dự án xây dựng 100 công viên nhỏ và tài trợ các dự án trồng cây thông qua Cơ chế đóng góp cộng đồng. Mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đều được hoan nghênh tài trợ cho các dự án trồng cây để bảo vệ màu xanh cho thành phố. Cho đến nay, sáng kiến của ông Johnson đã hoàn thành mục tiêu trồng thêm 20.000 cây mới ở thủ đô London, trong đó đợt trồng mới nhất được thực hiện từ đầu tháng 12/2014 với 4.278 cây mới được trồng tại 21 quận của thủ đô.
Cây xanh đã được minh chứng đem lại nhiều lợi ích về môi trường và xã hội. Một mặt chúng làm mát London và cải thiện chất lượng không khí, mặt khác tăng khả năng chống chọi tình trạng biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe của người dân thủ đô bằng việc tạo ra những chỗ vui chơi và nghỉ ngơi an toàn. Phủ xanh đô thị không chỉ cải thiện hình ảnh quốc tế của London mà còn giúp thủ đô nước Anh duy trì vị thế là một trong những thành phố lớn đáng sống nhất thế giới.

Bên cạnh dự án trồng cây, Thị trưởng Johnson cũng đã tuyên bố dành 330 triệu bảng tài trợ cho đề án thay thế dần các xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng xe buýt chạy nhiên liệu hỗn hợp (hybrid) nhằm hỗ trợ kế hoạch tạo ra một "Vành đai khí thải cực thấp" đầu tiên trên thế giới tại khu trung tâm thủ đô London vào năm 2020. Cũng theo kế hoạch này, mọi xe taxi được cấp phép hoạt động ở London kể từ năm 2018 phải đáp ứng khả năng không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Chưa hết, Quỹ Xanh Lớn của Thị trưởng cũng đang đầu tư 2 triệu bảng cải thiện 6 khu vực ở London. Khoản đầu tư này sẽ giúp các khu vực được thụ hưởng có thêm tuyến đường đi bộ và đi xe đạp cũng như được cải thiện khả năng chống chọi lũ lụt và nắng nóng.

Bài và ảnh: Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)
Hạn hán kỷ lục “hạ” 5,6 triệu cây xanh đô thị ở Texas
Hạn hán kỷ lục “hạ” 5,6 triệu cây xanh đô thị ở Texas

Ước tính 5,6 triệu cây xanh ở khu vực đô thị đã chết do trận hạn hán kỷ lục hồi năm ngoái tại bang Texas, Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN