Thành phố nổi tương lai đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Seasteading Institute |
Các nhà nghiên cứu trong dự án hi vọng thành phố này sẽ “giải phóng loài người khỏi giới chính trị gia”. Được tài trợ bởi người sáng lập Paypal ông Peter Thiel, dự án này sẽ tạo ra một “quốc gia” độc lập nổi trên vùng biển quốc tế và hoạt động trong hệ thống pháp luật của riêng nó.
Trong một buổi phỏng vấn mới đây với tờ New York Times, Joe Quirk – Chủ tịch Seasteading Institute cho biết ông muốn thấy “hàng ngàn” thành phố nổi đến năm 2050, và mỗi một thành phố lại có một cách thức quản lí công dân khác nhau.
“Các chính phủ sẽ không tốt hơn. Họ bị mắc kẹt trong hàng thế kỷ. Đó là do đất đai thúc đẩy một chế độ độc quyền để kiểm soát nó”, ông Quirk giải thích.
Dự án hi vọng sẽ được khởi công năm 2019. Ảnh: Seasteading Institute |
Tổ chức phi lợi nhuận Seasteading Institute hi vọng sẽ kêu gọi được 60 triệu USD cho đến năm 2020 để xây được khoảng 12 tòa nhà trong mô hình thành phố nổi đầu tiên.
Cấu trúc các tòa nhà trên bề mặt nổi sẽ được thiết kế có “mái che xanh” ở trên bao bởi rau xanh, được dựng khung từ tre, gỗ, sợi dừa, kim loại và nhựa tái chế.
Trình bày ý tưởng từ tháng 1/2017, dự án đã được chính quyền vùng Polynesia thuộc Pháp chấp thuận, giúp tạo ra một vùng kinh tế đặc biệt để quốc gia nổi có thể hoạt động trên đó.
Vùng Polynesia với chủ quyền trên 118 đảo thuộc phía Nam Thái Bình Dương cùng dân số trên 200.000 người, cho phép tổ chức Seasteading Institute sở hữu 404.602 m2 diện tích biển để hoạt động. Tuy được chính quyền Polynesia đồng ý song tổ chức này vẫn còn phải làm nhiều việc để xin phép chính quyền Pháp.
Đây được đánh giá là một dự án khá tham vọng, song tổ chức tin rằng các thành phố nổi sẽ là một nơi hoàn hảo để thử nghiệm các mô hình quản lí chính phủ và phương thức nông nghiệp mới.
Mỗi một bề mặt nổi sẽ cao 50 m, được làm từ bên tông cứng có thể chịu được kết cấu tòa nhà 3 tầng như căn hộ, văn phòng và khách sạn đến 100 năm. Ảnh: Seasteading Institute |
Hiện Chủ tịch Quirk cùng đội ngũ của mình bắt đầu khởi nghiệp với công ty mới, Blue Frontiers, chịu trách nhiệm xây và hoạt động các thành phố nổi tại Thái Bình Dương.
Ông Randolph Hencken, giám đốc điều hành Seasteading Institute, cho biết: "Nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các đảo của Polynesia, đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Các hòn đảo nổi sẽ cho phép người dân sống trong phạm vi chủ quyền quốc gia họ, không phải chuyển sang nước khác".
Dự kiến mô hình này có thể khởi công trong năm 2019. Các thành phố nổi sẽ được xây dựng bao gồm nông trại, cơ sở chăm sóc sức khỏe, khu vực nghiên cứu y tế và các nhà sản xuất năng lượng. Thành phố nổi đầu tiên sẽ được xây dựng trên một mạng lưới gồm 11 bề mặt nổi chữ nhật và ngũ giác và những bề mặt đó có thể di chuyển để sắp xếp lại theo nhu cầu của người dân sinh sống trên đó.
Theo một công ty kỹ thuật Hà Lan Deltasync, mỗi một bề mặt nổi sẽ cao 50 m, được làm từ bên tông cứng có thể chịu được kết cấu tòa nhà 3 tầng như căn hộ, văn phòng và khách sạn đến 100 năm.
Mỗi một thành phố có chính quyền riêng. Ảnh: Seasteading Institute |
Những thành phố nổi này sẽ được xây dựng ngoài bờ quốc gia chủ nhà, tuy nhiên có nền chính trị riêng biệt. Sáng kiến ban đầu của dự án là xây dựng trên vùng biển quốc tế, song tổ chức nhận ra thành phố nổi sát bờ biển sẽ giúp người dân dễ dàng vào đất liền để mua hàng hóa cũng như tìm chỗ trú ẩn an toàn hơn nếu như có bão.
Tổ chức Seasteading Institute khẳng định mô hình mới này sẽ cho mọi người tự do lựa chọn chính phủ mà họ muốn thay vì họ phải tuân theo luật lệ chính phủ từ trước đến nay họ phải chịu.
Nếu như người dân không đồng ý với chính sách của một thành phố nổi, họ có thể chuyển sang thành phố khác, buộc giới chức thành phố kia phải thay đổi để thu hút công dân.
Với tính toán ban đầu, chi phí xây dựng một bề mặt nổi chỉ mất có 15 triệu USD, tính ra xây cả một thành phố mất 167 triệu USD.