Ở Cộng hòa Séc có một nhà ga độc nhất vô nhị, đó là nhà ga tư nhân “Nhà máy bia”. Đúng như tên gọi, nhà ga này được một doanh nghiệp xây lên với mục đích bán bia.
Thành phố Varnsdorf nằm ở phía bắc của Séc. Một phía thành phố là lãnh thổ Séc, ba phía còn lại là các làng mạc vắng vẻ của Đức. Trên tuyến đường sắt chạy qua thành phố Varnsdorf không có những chuyến tàu cao tốc nối các thành phố lớn của châu Âu với nhau. Lưu thông trên tuyến đường sắt này chỉ là những chuyến tàu khá vắng vẻ.
Ông Josef Shusta, chủ nhà máy bia Kocour ở thành phố Varnsdorf, từ cách đây ba năm đã mong muốn mở một nhà ga đường sắt của riêng mình bởi quãng đường từ nhà ga chính của thành phố tới nhà máy bia của ông khá xa, đi lại rất vất vả. Ông Shusta lập luận: “Nhà máy của tôi sản xuất ra loại bia ngon. Giá cả lại cạnh tranh được với các chủng loại bia của Séc và Đức. Xung quanh đây là các thành phố của Đức. Vậy tại sao mọi người không đến chỗ tôi để thưởng thức bia vừa tươi, vừa ngon, cả bia tươi lẫn bia chai?”.
Để xây dựng và đưa nhà ga “Nhà máy bia” vào sử dụng, ông Shusta đã phải xin tới 40 giấy phép của các cấp khác nhau. Khó khăn nhất là được sự đồng ý của Cục đường sắt quốc gia, cơ quan quản lý giao thông đường sắt của Séc. Ông chủ nhà máy bia Kocour đã phải chuẩn bị bộ hồ sơ gồm hơn 50 loại giấy tờ để được Cục đường sắt quốc gia cấp phép xây dựng nhà ga. Và bước cuối cùng là thuyết phục được các cơ quan hữu quan của cả hai phía Séc và Đức chấp thuận đưa vào lịch chạy tàu chặng dừng tại nhà ga “Nhà máy bia”.
Bia được bán trong nhà ga. |
Và kết quả là hiện nay, tất cả các chuyến tàu đi từ thành phố Liberec của Séc tới thành phố Zaifhennerdorf của Đức đều dừng tại nhà ga riêng của ông Shusta.
Nhà ga có tên là “Nhà máy bia”, được ông Shusta xây dựng bằng tiền túi với chi phí lên tới 1 triệu koruna (khoảng 50.000 euro). “Nhà máy bia” là nhà ga đầu tiên và duy nhất ở Séc do tư nhân sở hữu. Ở Séc còn có một nhà ga tư nhân nữa, song chủ sở hữu là tập đoàn Bosch, được xây dựng tại khu sản xuất của nhà máy gần thành phố Iyglava, chủ yếu dành cho công nhân viên của công ty.
Nhà ga “Nhà máy bia” được xây dựng theo phong cách cổ điển, với vật liệu chủ yếu là thép. Bên trong nhà ga có treo bảng lịch chạy tàu, các quầy nhỏ bán đồ ăn uống và các ngăn để bia chai được gắn vào tường.
Phải thừa nhận rằng nhìn hình thức bên ngoài, nhà ga “Nhà máy bia” trông không giống một nhà ga đường sắt thông thường, mà giống một bến xe buýt nhiều hơn. Nhưng ông Shusta vẫn tự hào coi “đứa con đẻ” này của mình là một nhà ga chính hiệu. Quả thực là “Nhà máy bia” đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình. Dân chúng nô nức đi tàu tới đây để thưởng thức bia và lợi nhuận của Kocour tăng lên không ngừng.
Ngọc Mai