SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ
Để đưa Singapore trở thành trung tâm khởi nghiệp, vai trò của chính phủ Singapore là rất quan trọng.
Trước đây, Singapore có vài ba quỹ lớn có lợi nhuận ra đời cách đây vài chục năm và thường chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp đã trưởng thành, hoạt động được vài năm và nhận đầu tư lớn 1 - 5 triệu USD. Các quỹ này không quan tâm tới các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu chỉ cần vài chục đến vài trăm nghìn USD.
Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF) của chính phủ đã đưa ra hai chương trình khắc phục điều này: Một là Early Stage Ventures Fund (ESVF), theo đó các quỹ tư nhân sẽ được chính phủ đầu tư đối ứng 10 triệu đôla Singapore (SGD) theo tỷ lệ 1:1 (tức là nếu nhận được 10 triệu SGD, họ sẽ phải gọi vốn được thêm 10 triệu SGD nữa, nâng tổng giá trị của quỹ là 20 triệu SGD). Hai là Technology Incubation Scheme (TIS) với lời “đề nghị” hấp dẫn hơn nữa, theo đó chính phủ đầu tư nửa triệu SGD vào một quỹ đầu tư theo tỷ lệ đối ứng 6:1, với điều kiện quỹ phải tích cực cung cấp người cố vấn và hướng dẫn cho doanh nghiệp.
ESVF và TIS đã góp phần tạo ra một chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều năm, với sự bổ trợ của các sáng kiến khác của Cơ quan Phát triển công nghệ viễn thông và SPRING Singapore. Số liệu từ NRF cho thấy, gần 100 triệu SGD được phân bổ cho các chương trình đầu tư như ESVF và TIS (tính đến tháng 3/2016) đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ thu hút được nguồn vốn đối ứng từ tư nhân khoảng 400 triệu SGD, tạo một đòn bẩy ấn tượng, gấp bốn lần khoản tiền hỗ trợ của chính phủ.
TIS, chương trình hỗ trợ cho 16 vườn ươm khởi nghiệp được chọn, có một ảnh hưởng nổi bật nhất và nhà đầu tư Leslie Loh của Red Dot Ventures (một trong 16 vườn ươm này) gọi đó là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. Người sáng lập ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Eddie Chau miêu tả TIS là động cơ của hệ sinh thái khởi nghiệp. TIS dựa trên một chương trình tương tự được thực hiện ở Israel vào những năm 1990 mà nhờ đó Israel đã trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Trong số 145 doanh nghiệp khởi nghiệp được 16 vườn ươm của TIS đầu tư, khoảng 61 doanh nghiệp đã thu hút được vốn đối ứng, 34 doanh nghiệp đã bán được cổ phần và 29 doanh nghiệp (20%) dừng hoạt động. Đây là một kết quả không tồi cho một chương trình mới. Dù có thể sẽ có thêm các doanh nghiệp phá sản trong tương lai, con số 20% là rất thấp so với tỷ lệ thất bại chung là 70%.
Quan trọng hơn là TIS đã tạo một đòn bẩy đầu tư hào phóng, nhờ đó giảm rủi ro đầu tư. Chính phủ Singapore đã thành công trong việc thu hút một con số ấn tượng các nhà điều hành doanh nghiệp giàu kinh nghiệm và các nhà đầu tư tham gia vào TIS và trở thành một phần của cộng đồng khởi nghiệp. Những cá nhân giàu có này đã đóng một vai trò quan trọng là những “nhà đầu tư thiên thần” và những người cố vấn trong các chương trình khởi nghiệp, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mặc dù ưu tiên hình thức đầu tư đối ứng nhưng chính phủ Singapore vẫn dành một khoản ngân sách để tài trợ cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, chẳng hạn như SPRING (thuộc Bộ Thương mại Singapore) tài trợ 70% kinh phí hoạt động cho các vườn ươm với mục đích tăng không gian làm việc chung và Action Community for Entrepreneurship, một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ tài trợ (trước đây là cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thương mại điều hành) kết nối và tổ chức sự kiện cộng đồng khởi nghiệp.
Tin vui là vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tương lai của Singapore ngày càng được thừa nhận, khi nước này chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các công ty đa quốc gia tới một mô hình kinh tế khỏe khoắn hơn, với sự hiện diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng tăng trưởng nhanh.
Trong khi các chi tiết của các chương trình khởi nghiệp và sáng tạo trong kế hoạch RIE2020 trị giá 19 tỷ SGD vẫn chưa được công bố, cộng đồng khởi nghiệp ở nước này có thể lạc quan rằng sự hỗ trợ của chính phủ vẫn được duy trì, ngay cả khi chương trình TIS đã kết thúc tháng 6/2016 và cộng đồng khởi nghiệp ở Block 71 có thể chờ đợi một hệ sinh thái sung sức hơn trong những năm tới.