Số phận mong manh của 'cây lộn ngược' ở Madagascar

Với hình dáng độc đáo, dáng vẻ oai nghiêm, những cây bao báp khổng lồ đã là biểu tượng không thể thay đổi của Madagascar trong nhiều thế kỷ qua.

 

Cây bao báp hùng vĩ in bóng trong hoàng hôn. Ảnh: Internet

 

Sáu trong tổng số 8 loài bao báp chỉ có ở Madagascar, quốc đảo ven Ấn Độ Dương nằm ngoài bờ biển phía đông nam của châu Phi.

 

"Cây lộn ngược" độc đáo của Madagascar.

 

Madagascar là nơi có hệ sinh thái phong phú, có nhiều động thực vật phát triển từ hàng chục triệu năm nay trên một vùng đất hoàn toàn biệt lập với thế giới. Do đó, 90% loài động thực vật hoang dã ở đây không có mặt ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.

 

Tán cây rộng lớn của bao báp.

 

Trong số đó, cây bao báp hùng vĩ đã đứng vững nhiều thế hệ. Thân cây có hình dáng giống chiếc thùng, có thể dài tới 18 mét. Nó thường được ví là “cây lộn ngược” vì hình dáng kỳ lạ này: cành cây trông như rễ cắm thẳng vào bầu trời.

 

Cây bao báp có nhiều tác dụng với người dân.

 

Đã có nhiều truyền thuyết gắn liền với cây bao báp trong nhiều thế kỷ qua. Một trong số đó kể rằng khi các vị thần trồng cây bao báp, chúng không chịu đứng im nên họ phải trồng chúng lộn ngược.

 

Nhiều khu rừng nhiệt đới ở Madagascar bị đe dọa.

 

Các cộng đồng ở Madagascar từ lâu đã tận dụng cây bao báp. Nhà thực vật Jimmy Razafitsalama cho biết: “Người dân dùng vỏ cây để làm nhà, dùng lá để làm thuốc. Họ ăn quả bao báp rất giàu vitamin. Cây bao báp cũng là thứ hấp dẫn nhiều du khách đến với vùng này”.

 

Du lịch có thể tạo ra thu nhập cho nhiều người ở quốc đảo thuộc hàng nghèo nhất thế giới này nhưng nhiều hoạt động của con người đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với cây bao báp và hệ sinh thái độc nhất vô nhị của quốc đảo.

 

Do sống chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nhiều cộng đồng ở Madagascar phải kiếm sống bằng cách tận dụng triệt để mảnh đất họ sinh sống. Trong những năm qua, Madagascar đã mất khoảng 90% diện tích rừng do nạn phá rừng.

 

Nạn phá rừng đe dọa hệ sinh thái của Madagascar.

 

Các nhà môi trường cho rằng các hoạt động như phát rẫy, đốt rừng để làm đất trồng trọt, chặt cây lấy gỗ, đốt than… đang hủy hoại những cánh rừng nhiệt đới tuyệt đẹp của hòn đảo. Hệ sinh thái độc đáo của quốc đảo này cũng vì thế mà mai một dần.

 

Trong những năm gần đây, chính quyền Madagascar đã thực hiện hàng loạt sáng kiến để cứu những cánh rừng quý giá còn sót lại. Chính phủ đã đưa ra nhiều dự án bảo tồn và trồng rừng, khoanh vùng nhiều khu vực làm công viên quốc gia, thu hút khách du lịch sinh thái từ khắp nơi trên thế giới.

 

Tuy nhiên, ông Razafitsalama cho rằng cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tương lai của loài cây bao báp và các loài động thực vật độc đáo khác. Nếu không hành động nhiều, không thay đổi hành vi, Madagascar rất có thể sẽ vắng bóng dần cây bao báp nói riêng và nhiều loại động thực vật chỉ có ở hòn đảo này.

  

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN