Bỉ luôn tự hào là nhà sản xuất của những loại sôcôla ngon nhất thế giới, nhưng khẩu vị thay đổi cùng với các thị trường mới ở châu Á và thế giới Arập đang làm biến đổi phần nào viễn cảnh của ngành sản xuất sôcôla nước này.
Sôcôla Bỉ nổi tiếng thế giới đang tìm cách đáp ứng thị hiếu tại các thị trường mới. |
“Một số người vẫn ưa chuộng sôcôla Bỉ truyền thống, nhất là với những nhãn hiệu nổi tiếng, tuy nhiên, chúng tôi lại đang hướng đến những đối tượng khách hàng mới bằng những sản phẩm phá cách”, ông Laurent Gerbaud, một trong những nhà sản xuất sôcôla thế hệ mới, cho biết.
Tại cửa hàng của Gerbaud ở trung tâm Brúcxen, khách hàng chỉ tìm thấy rất ít dấu vết của Manon, loại kẹo hạt dẻ nhiều kem vị cà phê và được phủ sôcôla trắng, thứ sôcôla chủ đạo trong nhiều thập kỷ qua. Thay vào đó, ông Gerbaud mời khách những miếng sôcôla nhỏ có hương vị lạ, thậm chí khá kỳ cục như vị quả sung từ vùng Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ, quả đắng của cây hoàng liên gai, vị lê Cape hay yuzu, một thứ quả giống cam quýt từ Nhật Bản.
“Ưu tiên của tôi rất rõ ràng, những hương vị mộc mạc, sử dụng nguyên liệu tốt nhất có thể. Sôcôla của tôi sử dụng ít đường và chất béo để phù hợp với nhu cầu”, Gerbaud cho biết.
Những loại sôcôla như vậy thực ra đã ra đời tại Pháp từ thập niên 1990 khi các nhà sản xuất sôcôla thủ công tham gia thị trường. Tại Bỉ, xu hướng này chậm hơn do ngành công nghiệp bị kiểm soát bởi những tên tuổi lớn như Leonidas, Godiva, Cote d’Or hay Neuhaus. Nhưng ngành sản xuất sôcôla tại đây cũng đang bắt đầu phải thay đổi, với nhiều thương hiệu mới xuất hiện, mặc dù quá trình này vẫn diễn ra chậm, khi khoảng 400 nhà sản xuất thủ công còn đang thận trọng tìm lối đi.
“Rất khó để thiết lập một thương hiệu, tìm kiếm một đối tượng khách hàng am hiểu và có thể sinh lời. Sau 11 năm, tôi vẫn chưa khai thác được lợi nhuận”, Gerbaud, một trong những nhà sản xuất thủ công khá nhất, thừa nhận.
Với những thương hiệu đã có tiếng, thách thức lại khác, họ cần tìm ra những thị trường mới nếu muốn mở rộng phạm vi ra khỏi quê nhà. Hãng Leonidas ra đời sau Triển lãm quốc tế năm 1913, với nhà sáng lập là Leonidas Kestekides, một thợ làm bánh người Hy Lạp quyết định định cư tại Bỉ. Các hậu duệ của ông Kestekides hiện đang điều hành công ty, với khoảng 1.300 đại lý tại 50 quốc gia, bán ra 6.000 tấn sôcôla mỗi năm hoặc hơn 1 triệu thanh sôcôla/ngày.
Leonidas đang lên kế hoạch lấy dịp kỷ niệm sinh nhật 100 năm để tung ra những dòng sản phẩm mới. “Rõ ràng tiềm năng phát triển của chúng tôi nằm nhiều hơn ở các nền kinh tế đang nổi, thay vì những thị trường cũ ở châu Âu”, Giám đốc thương mại của Leonidas, Hugues Moens cho biết. Trong số này, Trung Quốc, nơi hãng đã có tới 40 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, và thế giới Arập hiện là các thị trường ưu tiên của Leonidas.
Tại Bỉ cũng như Pháp, với khoảng 350 cửa hàng ở mỗi nước, Leonidas phải tìm ra sự cân bằng thích hợp giữa truyền thống và đổi mới, để vừa giữ chân khách hàng cũ, vừa thu hút khách mới. “Chúng tôi không quên rằng, thành công của chúng tôi dựa trên sự trung thành của những khách hàng yêu thích sôcôla truyền thống như Manon, loại bán chạy nhất”, Claude Seneque, thợ sôcôla kỳ cựu của Leonidas nói. Nhưng để hấp dẫn khách hàng mới và phục vụ việc thay đổi khẩu vị, Leonidas buộc phải có sản phẩm mới cho những ai chê thương hiệu này là “lỗi thời”.
“Ngày càng khó khăn để thành công trong ngành sản xuất sôcôla tại Bỉ. Lúc nào ta cũng phải bền bỉ, nhưng vẫn phải sáng tạo”, ông Gerbaud kết luận.
Thu Hằng