Bà Martine Aubry, Thị trưởng Lille - một trong những thành phố lớn ở phía Bắc Pháp - ngày 5/8 tuyên bố hủy bỏ phiên chợ đồ cũ thường niên lớn năm 2016 vốn là một ngày hội văn hóa, du lịch thu hút khoảng hai triệu người từ khắp châu Âu. Không ít người đã tỏ ý tiếc nuối nhưng lý do mà bà thị trưởng đưa ra rất thuyết phục: chính quyền không thể bảo đảm an ninh cho sự kiện này.
Cảnh sát tuần tra Pháp tại những tụ điểm thu hút khách du lịch. |
Lille không phải là ngoại lệ, từ đầu tháng bảy (cao điểm mùa du lịch), hàng chục lễ hội lớn tại Pháp đã buộc phải hủy bỏ sau vụ một phần tử Hồi giáo cực đoan dùng xe tải tấn công đám đông xem bắn pháo hoa mừng quốc khánh Pháp ở Nice làm 85 người thiệt mạng. Những sự kiện còn lại nếu được tổ chức đều được thắt chặt an ninh một cách nghiêm ngặt. Nhà chức trách và các ban tổ chức cũng công bố hàng loạt khuyến cáo dành cho du khách tham dự. Bộ trưởng Quốc phòng Jean - Yves Le Drian giải thích đất nước “đang trong tình trạng thời chiến” và rất cần “tôn trọng tuyệt đối các chuẩn mực an ninh trước mối đe dọa khủng bố”.
Số ngày khách du lịch đến Paris và vùng phụ cận đã giảm tới 10% trong 6 tháng đầu năm 2016. Khách sạn hạng sang là một trong những phân khúc bị ảnh hưởng đặc biệt, với tỷ lệ giữ chỗ chỉ còn 32% trong nửa cuối tháng 7 tại Paris. Tình thế cũng dự báo tương tự đối với vùng duyên hải Côtes d’Azur phía Nam, trung tâm du lịch lớn thứ hai của Pháp. Tỷ lệ phòng khách sạn có người đặt giảm từ 5 - 10%. Số lượng hành khách đi máy bay nhập cảnh vào Pháp đã giảm 8,8% trong tuần thứ ba của tháng 7. Tính chung từ tháng 1 đến tháng 7, hành khách sử dụng máy bay tới Pháp đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2015.
“Vụ khủng bố Nice đã xóa sạch hiệu ứng được tạo ra bởi EURO 2016, một sự kiện được bảo đảm an ninh gần như hoàn hảo, tưởng chừng đã đánh bóng lại hình ảnh nước Pháp”, ông Frédéric Valletoux, Chủ tịch Ủy ban Du lịch Paris và vùng thủ đô Ile - de - France (CRT) nhận xét. Theo ông, việc kéo dài tình trạng khẩn cấp áp đặt từ sau vụ khủng bố Paris đầu năm 2015 không những không phát huy tác dụng, mà trái lại gây hiệu ứng xấu lên khách hàng châu Á và Mỹ.
Du khách châu Á là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với vấn đề an ninh, vì thế không có gì ngạc nhiên khi số lượng đặt chỗ từ các nước này tới Pháp giảm mạnh. Lượng khách Nhật tới Paris giảm tới 56%. Xu hướng tương tự cũng xảy ra với khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Giám đốc một hãng lữ hành Trung Quốc nhận định vụ khủng bố tại Nice và Munich trong tháng 7 đã làm trầm trọng thêm xu hướng này.
An ninh không phải là vấn đề bận tâm hàng đầu với người Mỹ hay châu Âu khi lựa chọn địa điểm cho kỳ nghỉ, nhưng trước những cảnh báo trầm trọng về nguy cơ khủng bố tại Pháp và cả châu Âu, không ít người đã phải nhíu mày. Cơ quan xúc tiến du lịch Pháp Atout France ghi nhận lượng khách Mỹ đến Pháp trong tháng 7 đã giảm nhẹ khoảng 6% so với năm trước.
Khủng bố không phải là nguyên nhân duy nhất làm nản lòng du khách. Từ làn sóng biểu tình kéo dài suốt nhiều tuần lễ phản đối dự luật lao động, thiếu nhiên liệu do các cảng dầu lửa bị phong tỏa cho tới các cuộc bãi công của nhân viên hãng hàng không Air France, rồi trận lụt lịch sử trên sông Seine, chưa bao giờ người nước ngoài cảm thấy lo ngại đến vậy khi tới Pháp.
Bất chấp các khó khăn, giới chức du lịch vẫn đặt mục tiêu thu hút 100 triệu du khách từ nay đến năm 2020. “Còn cả một chặng đường dài nữa mới lấy lại được niềm tin của khách du lịch nước ngoài”, ông Frédéric Valletoux thừa nhận.