Những diễn biến này cho thấy phụ nữ đang “thăng hoa” trên chính trường thế giới - nơi từng là sân chơi thống trị của đàn ông.
Những tấm gương sáng
Trong cuộc điều tra của trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2014 tại Mỹ, có khoảng 73% phụ nữ và 58% nam giới được hỏi cho biết đàn ông dễ dàng được bầu vào các vị trí cấp cao của chính phủ. Điều này cho thấy đây là thực tế đã được thừa nhận. Tuy nhiên, những bất lợi khó khăn do giới tính không thể làm chùn bước những người phụ nữ bản lĩnh.
Trong thời gian gần đây, nhiều nữ lãnh đạo không phải là “con nhà nòi” hoặc xuất thân từ những gia đình trâm anh thế phiệt. Điển hình là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đều là con gái của mục sư. Còn cha của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 Hillary Clinton là một doanh nhân. Nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo lại xuất thân từ một gia đình thợ mỏ.
Trong ảnh chụp năm 2011 là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Mỹ khi đó Hillary Clinton (trái) tại một sự kiện ở Berlin. |
Một điểm chung khác của các nữ lãnh đạo là sự linh họat, họ đóng vai những nhà thương thuyết khéo léo và dày dạn kinh nghiệm. Hầu hết những “nữ tướng” này đều có thời gian dài tham gia chính trường trước khi đạt đến vị trí cao nhất. Bà Merkel trở thành chính khách từ thập niên 90 của thế kỷ trước trong khi bà Clinton đã được bầu vào Thượng viện Mỹ từ năm 2001 và sau đó trở thành ngoại trưởng Mỹ vào năm 2009. Hay bà Park Geun-hye cũng được bầu vào quốc hội Hàn Quốc từ năm 1998 sau đó vào năm 2013, bà đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Đông Á này.
Không chỉ hết mình vì chính trị, các nữ lãnh đạo cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan tới phụ nữ và trẻ em. Như bà Michele Bachelet, nữ Tổng thống đầu tiên của Chile và nay đang giữ nhiệm kỳ thứ hai, là tiếng nói mạnh mẽ cho phụ nữ trên khắp thế giới khi bà từng hoạt động rất năng nổ trong thời gian giữ chức Tổng Giám đốc Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc (2010-2013).
Cánh cửa ngày càng rộng mở
Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến tháng 6/2016 có 22,8% thành viên nữ tại các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, tăng 11,3% so với năm 1995. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2016, có 10 phụ nữ đang giữ vai trò nguyên thủ quốc gia trong khi 9 người đang giữa vị trí đứng đầu nội các chính phủ.
Rwanda, một đất nước nhỏ bé tại châu Phi, hiện nay được ghi nhận là nơi có số chính khách nữ trong quốc hội đông đảo nhất trên thế giới khi giữ 63,8% ghế trong hạ viện.
Có sự khác biệt lớn về tỉ lệ phụ nữ làm việc tại quốc hội nếu xem xét theo khu vực. Tính đến tháng 6/2016, 41,1% thành viên quốc hội ở các nước Bắc Âu là nữ trong khi tỉ lệ tại châu Mỹ là 27,7% và phần còn lại của châu Âu là 24,3%. Tỉ lệ này ở vùng hạ Sahara châu Phi là 23,1%; châu Á là 19,2%, các nước Arab là 18,4% trong khi châu Á - Thái Bình Dương là 13,5%. Tuy nhiên, đây đều là những con số đánh dấu bước tiến tại những khu vực này so với nhiều năm trước đó.
Cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6 với kết quả Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã khiến nhiều người dân nước này hoang mang, lo lắng và người được “chọn mặt gửi vàng” để thay thế ông David Cameron giữ chức Thủ tướng là bà Theresa May mặc dù nữ chính khách này ủng hộ lựa chọn “ở lại”. Vào ngày 10/10 vừa qua, bà Kersti Kaljulaid đã tuyên thệ nhậm chức và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Estonia. Trong khi đó tại Đức, có một phụ nữ đang được coi là người kế thừa tiềm năng của Thủ tướng Angela Merkel, đó là Bộ trưởng quốc phòng Ursula von der Leyen. Những thông tin tích cực này cho thấy sẽ luôn luôn có những gương mặt nữ mới hứa hẹn mang đến luồng gió đổi thay cho chính trường trên khắp thế giới.