Đa phần các thành viên trong Đoàn cán bộ TTXVN thăm Lào lần này đã được nghề báo đưa đi tác nghiệp nhiều nơi, nhiều lần tại khắp các châu lục, nhưng ai cũng bảo chưa có chuyến đi nào lại háo hức, phấn chấn như lần này. Hỏi ra mới biết tất cả đều chưa một lần được tới đất nước Triệu voi, muốn được gặp các anh em đồng nghiệp bên Hãng thông tấn quốc gia KPL, những người luôn gắn bó keo sơn, chia ngọt sẻ bùi như quan hệ anh em Việt-Lào suốt nhiều thập kỷ qua, và mong được ngồi thuyền xuôi dòng Mêcông, nghe những bản nhạc dân tộc du dương rồi hòa mình vào điệu múa Lamvong đặc sắc của các bộ tộc Lào.
Gần, vì ở bất cứ chỗ nào trên đất Lào, chúng tôi cũng được các bạn chủ nhà chỉ tay về hướng đông rồi bảo nơi ấy, chỗ thì chỉ cách đất ta chưa đầy 100 km, có chỗ chỉ có “mấy bước chân”, và rằng dọc theo 2069 km đường biên với nước ta, cư dân hai nước chẳng còn mấy ai để tâm đến “bên này, bên kia” nữa, qua lại thăm nhau như cơm bữa, vì “một ngày không nhìn thấy nhau là nhớ” – Khămphặn có nhà ở đường giáp ranh với ta, bảo thế. Gần nhau như thế, lại coi nhau là anh em như vậy, nên cho dù đã “xuất ngoại” rồi, nhưng tất cả chúng tôi đều thấy như đang ở quê nhà.
Gần, nên hàng ngày ngoài những chuyến bay thương mại của hai hãng hàng không quốc gia hai nước, còn có những chuyến xe chở khách nối liền hai thủ đô và các thành phố lớn của nhau. Và nhờ vậy những hoạt động giao lưu, thăm hỏi giữa các ban ngành, các địa phương của hai nước diễn ra dồn dập “không thể nhớ hết” - như lời một nhà báo KPL nói với chúng tôi. Và, cũng nhờ thế, mọi chủng loại hàng hóa, kể cả các đặc sản của mỗi nước, mỗi vùng miền, luôn tràn ngập trên thị trường của bên kia.
Gần và yêu quý nhau nên người Lào rất rành mọi thông tin về ta, từ thời tiết, thiên tai đến kinh tế xã hội. Chả thế mà chàng phóng viên Bunlửa đã hơn một lần hỏi tôi về dịch tay chân miệng ở trẻ em Việt Nam, hay bệnh lạ ở Hòa Bình mà anh đã xem qua phóng sự đầy thương cảm trên kênh truyền hình VNews của TTXVN. Rồi mấy ngày tháp tùng chúng tôi, anh đã nhiều lần thông báo về tình hình lũ lụt ở miền Trung hay những vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A của Việt Nam.
Gần gũi nhau về địa lý, văn hóa và phong tục tập quán như thế, nhưng theo Bunlửa, đấy chỉ là ... “chuyện nhỏ” của hai dân tộc Việt-Lào, bởi trong mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị và thủy chung ấy đang có gần trăm triệu trái tim Lào-Việt luôn biết đồng cam cộng khổ, hướng về nhau, thấu hiểu nhau, cùng dắt tay nhau hướng tới phồn thịnh. Và, chính cái sự cận lân tuyệt vời ấy đã làm cho mỗi người Lào, người Việt luôn thấy mình rất gần nhau một cách tự nhiên, không cần bất cứ lời hô hào, vận động nào, và cũng chẳng bao giờ nao núng trước mọi phong ba.
Nếu trái tim không rất gần nhau như thế, chắc hẳn đồng chí Bộ trưởng Thông tin-Văn hóa-Du lịch Lào Bosengkham Vongdala sẽ không dễ nói những lời gan ruột về khó khăn, thách thức của cơ quan KPL dưới quyền mình trong buổi tiếp Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Hoài Dương. Ông không giấu diếm rằng tuy giàu tiềm năng đấy, nhưng nước Lào chưa đủ sức để đánh thức những tiềm năng ấy, vẫn còn chất chồng khó khăn thiếu thốn, còn bộn bề công việc, song chưa khi nào người Lào thiếu niềm tin vào ngày mai, và chẳng bao giờ vơi lạc quan, ít hy vọng vào mối tình thủy chung với Việt Nam. Và ông cũng chẳng ngại khi bảo rằng mỗi trang tin, mỗi bức ảnh của KPL đều in đậm sự giúp đỡ chí tình, to lớn cả về nghiệp vụ, tinh thần và vật chất của TTXVN, rồi chỉ đạo các nhà báo của cơ quan thông tin đại chúng lớn nhất nước này phải khắc sâu nghĩa tình ấy, phải có trách nhiệm vun xới để cây hữu nghị Việt-Lào ngày càng đơm nhiều hoa thơm, cho nhiều trái ngọt.
Nếu không rất gần nhau, thì những người Lào mà chúng tôi được gặp trong chuyến công tác này, từ cô nấu bếp, đến ông tỉnh trưởng có lẽ đã không “trổ” hết vốn tiếng Việt để giới thiệu về đất nước mình cũng như những hiểu biết, kỷ niệm về Việt Nam. Nhớ mãi hôm ông Khambay Damlat, Tỉnh trưởng tỉnh Khammuane kéo đoàn chúng tôi về thăm nhà riêng thật chẳng khác gì những người anh em lâu ngày gặp lại, nhất là khi nghe ông nói không cần bất cứ nghi lễ ngoại giao nào, bởi chúng ta là người Lào, người Việt, và rằng hôm ấy chỉ dùng rặt tiếng Việt thôi, ai đấy “bị thiệt”, phải tự học hoặc đến các cơ sở dạy tiếng Việt “bao nhiêu vẫn chưa đủ” trên đất Triệu voi này.
Chỉ cần có khoảng cách nhỏ xíu thôi, chắc chắn các bạn Lào không thể nói được những từ “Bác Hồ” hay “bộ đội” “ngọt” như hàng triệu con cháu Bác ở bên kia biên giới mỗi khi nói về Người, về những người con Việt đã quên mình vì cuộc sống tươi đẹp hôm nay trên đất Lào, đất Việt. Các bạn kể nhiều lắm, ngưỡng mộ lắm Bác Hồ của chúng ta, kể lại cuộc thi sáng tác thi ca, âm nhạc rất thành công về Bác cách đây chưa lâu trên đất Lào, và kể về những khu lưu niệm Bác, hay những tượng đài ghi nhớ công ơn trời biển của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, mà chúng tôi gặp rất nhiều trên đất nước trùng điệp núi non này.
Vâng, 5 ngày quả là quá ít để hiểu biết tường tận về mảnh đất 237.000 km2 chạy dọc theo bờ đông của dòng sông Mêcông với 6,7 triệu con người ngày ngày chăm chút làm ăn và tụng kinh niệm phật. Nhưng, đúng như lời Tổng Giám đốc KPL Khamsen Phongsa đã nói trước khi hội đàm với ông Nguyễn Hoài Dương rằng KPL với TTXVN, và rộng ra là người Lào với người Việt không cần nói gì nhiều đã hiểu nhau lắm rồi, đã biết tường tận về nhau lắm rồi. Thế mới biết câu nói của cổ nhân: “Tri nhân, tri diện bất tri tâm” (Biết người, biết hình dáng, nhưng không thể biết được tấm lòng nhau) không phải luôn đúng, nhất là với quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào của chúng ta.
Phạm Phú Phúc