Trong khi hàng triệu người ở nhiều vùng trên trái đất vẫn sống trong tình trạng thiếu ăn, thì một nửa lượng thực phẩm của thế giới đang bị vứt bỏ một cách vô cùng lãng phí. Đây được xem là một “tình huống bi thảm”, nhất là trong bối cảnh dân số thế giới được dự báo sẽ đạt con số 9,3 tỉ người vào năm 2050 trong khi Trái Đất đang dần cạn kiệt các nguồn tài nguyên.
30-50% lượng thực phẩm của thế giới đang bị lãng phí. Ảnh: Internet |
Báo cáo công bố hôm 9/1 của Viện Kỹ sư Cơ khí Anh (ImechE) đã đưa ra một thống kê “giật mình”: Khoảng 30 - 50% thực phẩm được sản xuất ra trên khắp thế giới, tương đương 1,2 - 2 tỉ tấn, đã không bao giờ đến được bát ăn, mà kết thúc “vòng đời” trong các thùng rác.
Tình trạng lãng phí này là do những nhân tố như: Việc áp dụng giới hạn ngày sử dụng nghiêm ngặt một cách không cần thiết; nhu cầu của người tiêu dùng phương Tây về những loại thực phẩm hoàn hảo ở vẻ bề ngoài; cùng với những tập quán nông nghiệp lạc hậu, cơ sở vật chất và những thiết bị bảo quản thực phẩm kém.
“Không lãng phí thì không túng thiếu”, đó là nội dung chính muốn đề cập của bản báo cáo có tên “Global Food: Waste Not, Want Not” nói trên. Theo các nhà nghiên cứu, tại Anh, hằng năm, khoảng 7 triệu tấn thực phẩm, trị giá trên 10 tỉ bảng, bị vứt bỏ và gây tốn kém cho mỗi hộ gia đình Anh trung bình là 480 bảng/năm. Trong số thực phẩm bị vứt bỏ, một lượng trị giá 1 tỉ bảng vẫn chưa “hết date” và có thể được sử dụng tốt. Báo cáo cũng cho biết, có tới 30% lượng rau củ trồng ở Anh không bao giờ được sử dụng, đa số bị bỏ lại trên đồng ruộng hoặc bị các siêu thị từ chối vì không đảm bảo yếu tố hình thức. Trong khi đó, có tới một nửa thực phẩm đã được mua ở châu Âu và Mỹ bị người tiêu dùng vứt bỏ.
Giám đốc phụ trách năng lượng và môi trường của IMechE, Tim Fox, cho rằng: “Lượng thực phẩm khổng lồ bị vứt bỏ có thể nuôi sống dân số đang phình ra của thế giới cũng như những người còn bị đói hiện tại. Song song với lãng phí thực phẩm còn là lãng phí các nguồn tài nguyên đất, nước và năng lượng dùng để sản xuất, xử lý và phân phối lượng thực phẩm đó”.
Theo tính toán của ImechE, khoảng 550 tỉ m3 nước đã bị lãng phí trên Trái Đất do các loại nông phẩm sản xuất ra không đến được tay người tiêu dùng. Tới năm 2050, nhu cầu về nước trong sản xuất thực phẩm có thể đạt tới 10 - 13 ngàn tỉ m3/năm. Con số này cao hơn từ 2,5 - 3,5 lần so với tổng lượng nước sạch mà con người đang sử dụng và có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên khắp thế giới.
Trước những dự đoán của Liên hợp quốc về việc đến cuối thế kỷ này, thế giới sẽ phải nuôi thêm 3 tỉ miệng ăn và đứng trước áp lực ngày càng nặng nề về các nguồn lực cần thiết để sản xuất lương thực, thực phẩm như: đất, nước, năng lượng, IMechE đã kêu gọi những hoạt động cấp thiết nhằm giải quyết tình trạng lãng phí nói trên. Theo họ, các chính phủ, các tổ chức và cơ quan phát triển quốc tế như Liên hợp quốc cần “hợp tác để thay đổi quan niệm của con người về vấn đề tiết kiệm, cũng như thay đổi các thói quen lãng phí của nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, các siêu thị và người tiêu dùng”.
Đây không phải lần đầu tiên một tổ chức nghiên cứu đưa ra những cảnh báo về tình trạng lãng phí thực phẩm. Các nhà khoa học thuộc Liên hợp quốc cũng cho rằng, nếu tiếp tục lãng phí thức ăn như hiện nay và vẫn muốn có đủ thực phẩm cung cấp cho tất cả mọi người, thế giới phải sản xuất thêm 70% lượng thực phẩm. Trong khi đó, nếu không lãng phí thức ăn, nhiệm vụ của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Thu Hằng