Sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường CH Séc đã buộc một loạt công ty thương mại ít nhiều có tên tuổi phải rời bỏ thị trường ở quốc gia Trung Âu nhỏ bé này, nhường chỗ cho những “ông lớn”.
Hệ thống siêu thị của Makro (METRO) tại Praha. |
Tại CH Séc trong những ngày giữa tháng 3 này, người ta đã không còn nhìn thấy cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Julius Meinl, Carrefour, Delvita, Edeka, Plus Discount. Mới đây, Interspar cũng đã rao bán mạng lưới các cửa hàng của mình. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, trên thị trường bán lẻ Séc đã có tới 6 thương hiệu bị “khai tử”. Theo Radio Praha, hãng Ahold chứ không phải ai khác sẽ “nuốt chửng” mạng lưới các cửa hàng Interspar, giống như hồi năm 2005 đã từng thôn tính các điểm bán lẻ Julius Meinl, biến chúng thành các cửa hàng Albert.
Nhà phân tích Jirri Simar thuộc công ty đầu tư Cyrrus, nhận xét: Thị trường bán lẻ Séc bị xé nhỏ trầm trọng so với Tây Âu và việc “cá bé bị nuốt” tạo ra không gian cho tiến trình tập trung hóa.
Kết quả tài chính của Interspar tại Séc trong thời gian qua khá yếu, vì thế việc thương hiệu này phải bán đi chuỗi cửa hàng của họ là điều hoàn toàn dễ hiểu, và Ahold đang tận dụng cơ hội này để tăng cường vị thế trên thị trường, thêm vào đó cơ cấu tổ chức và cách tư duy kinh tế của cả hai mạng lưới bán lẻ này rất giống nhau. Tuy nhiên, động thái trên của Ahold cũng không thể đem lại cho hãng này khả năng áp đặt giá cả trên thị trường. Đó là vì, theo nhà phân tích Jiri Tsiglarzh, sự cạnh tranh trên thị trường về sau này vẫn giữ ở mức cao.
Chuyên gia Jirri Simar cũng chia sẻ ý kiến trên: “Ahold cho dù sẽ tăng cường được vị thế của mình nhưng cũng không thể đe dọa sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ.” Dù là mạng lưới bán lẻ nhỏ như Interspar hay các công ty lớn như Kaufland, Tesco và Metro, thì tất cả thậm chí còn chưa cảm nhận được những biến động trên thị trường do Ahold mang lại.
Đối với người tiêu dùng thì việc cạnh tranh ít suy giảm cho dù đang diễn ra sự tập trung hóa trên thị trường bán lẻ lại là một tin tốt lành. Khách hàng, đặc biệt là các bà nội trợ, có thể sẽ không cần phải quá lo ngại về “những căn bệnh do cạnh tranh yếu ớt” kiểu như tăng giá tùy tiện.
Mặc dù tiến trình tập trung hóa thị trường, giảm số lượng đấu thủ trên thị trường đã diễn ra từ lâu nhưng không một hãng nào ở Séc có thị phần đủ mạnh để có thể gây bất lợi cho các công ty lớn. Những “đại gia” sẽ phải đầu tư những khoản tiền lớn để tồn tại và phát triển các mạng lưới của mình nhằm tăng thu nhập. Nhà phân tích Zdenek Skala thuộc Incoma GfK bình luận: Tại các quốc gia Tây Âu, thị phần của 5 mạng lưới thương mại lớn nhất chiếm tới 60-75% thị trường bán lẻ. Tại Séc, con số này chỉ là 46%, cho dù số lượng các cửa hàng có thể lớn. Tuy nhiên, sau khi Ahold mua lại mạng lưới Interspar thì việc tiếp tục tập trung hóa thị trường sẽ tạm lắng một thời gian là bởi các đấu thủ còn lại hoặc đủ mạnh hoặc đã bị các tập đoàn thương mại quốc tế “thu nạp”.
Ngọc Mai (P/v TTXVN tại Praha)