Thật khó tin là ngay giữa khu ổ chuột khét tiếng phức tạp của Philíppin, có một người phụ nữ Anh suốt 16 năm qua cần mẫn giúp những người nghèo ở đây thay đổi cuộc đời bằng việc biến những vật liệu phế thải thành những món đồ thời trang tinh xảo. Người dân ở đây gọi cô là “Thiên thần bãi rác” theo đúng với nghĩa đen của từ này.
Người phụ nữ đó là Jane Walker. Trong tòa nhà 4 tầng nằm ngay cạnh khu bãi rác ở quận nghèo Tondo của thủ đô Manila, Walker dạy các bà mẹ làm ra những chiếc túi đủ màu sắc, những chiếc ví xinh xẻo và nhiều những thứ khác. Điều đặc biệt là nguyên liệu làm ra những món đồ thời trang xinh xắn này đều là rác thải, từ vỏ tuýp kem đánh răng, túi nilon, giấy gói kẹo cho tới giấy báo, tạp chí cũ và vỏ lon.
“Thiên thần bãi rác” Walker đã giúp nhiều phụ nữ nghèo ở Philíppin kiếm sống từ rác. Ảnh: AFP - TTXVN |
"Thật thú vị khi bạn nhận ra rằng một dự án đơn giản như vậy lại có thể giúp được rất nhiều gia đình”, cô Walker nói. "Chúng tôi thiết kế mọi thứ, từ túi đựng laptop đến vỏ bọc iPod, vỏ bọc máy tính, các kiểu túi xách tay, túi đi chợ, các phụ kiện thời trang và thậm chí cả các loại đệm ngồi từ rác thải. Các sản phẩm này được bán tại các chuỗi cửa hiệu lớn nhất Philíppin, cũng như ở các cửa hàng thời trang sành điệu ở Ôxtrâylia, Canađa, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, Xinhgapo và Trung Đông, với giá dao động từ 10 đến 100 USD một sản phẩm.
Một phần tiền bán sản phẩm sẽ được chuyển cho những người phụ nữa nghèo đã làm ra chúng, một phần cho các nhân viên và phần còn lại để duy trì hoạt động của quỹ do Walker lập ra. Ngoài việc dạy cho người nghèo kỹ năng mưu sinh, Walker cũng điều hành một trường tiểu học nơi có tới 500 trẻ em của khu ổ chuột được theo học miễn phí vào bất cứ thời gian nào.
Ngay cả tòa nhà 4 tầng nơi quỹ của Walker đặt trụ sở cũng thể hiện rõ tính “tái chế”. Tòa nhà được làm từ những côngtennơ được gắn kết với nhau mà theo Walker thì đây là kết cấu nhà - trường đầu tiên trên thế giới.
Walker đến Philíppin lần đầu tiên vào giữa những năm 1990 với mục đích tận hưởng ánh nắng nhiệt đới của đất nước Đông Nam Á này. Nhưng hành trình du lịch đã tình cờ đưa cô tới quận Tondo với những khu ổ chuột nhếch nhác. Walker thực sự ngỡ ngàng và động lòng trắc ẩn khi nhìn thấy Núi Smokey, một bãi rác lộ thiên khổng lồ liên tục phả lên làn khói đen kịt và một thời từng là “biểu tượng” cho tất cả những gì xấu xí nhất ở đất nước Philíppin còn nghèo nàn lạc hậu.
"Đó là cảnh tượng gây sốc nhất đối với một người đến từ phương Tây như tôi”, Walker nhớ lại. "Rất nhiều người ngủ trên đất, ở đó không có nước, không có điện. Người dân hầu như không có tài sản gì và họ sống bằng việc nhặt rác".
Trở về Southampton sau chuyến du lịch ấy, Walker vẫn không nguôi nỗi ám ảnh về những gì cô đã chứng kiến ở Tondo và quyết định phải làm gì đó. Cô đã từ bỏ công việc được trả lương cao ở nhà xuất bản và quay lại Manila. Sử dụng tiền riêng của mình và tiền quyên góp từ bạn bè, Walker mua lại một nhà kho bỏ hoang gần khu bãi rác và biến nó thành một trường học. Nhưng tiền bạc nhanh chóng cạn kiệt buộc cô phải tìm kiếm nguồn tài chính khác.
"Tôi nghĩ tại sao lại không biến rác thành thứ gì đó có thể sinh lời”, Walker kể “và đó là sự khởi đầu của việc dạy nghề cho các phụ nữ nghèo".
Walker làm việc không ngơi nghỉ với các bà mẹ trên đống rác và khuyến khích họ cho con em theo học tại trường của cô. Cô trở nên quen thuộc đối với những cư dân khu bãi rác, những người kính trọng gọi cô là “Ma'am”. Hình ảnh cô không ngần ngại sục đôi chân trần vào đống rác cùng người dân khiến truyền thông địa phương dành cho cô biệt danh “thiên thần nơi bãi rác”.
Lời kêu gọi sử dụng vật liệu tái chế của Walker nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các trường học và công ty tư nhân ở Philíppin cũng như ở nước ngoài. Tiếng lành đồn xa, các nhà tài trợ đã tìm đến quỹ của cô để giúp đỡ và nguồn tài chính có được cho phép cô mở rộng mô hình làm việc của mình cũng như xây dựng được một ngôi trường mới cho trẻ em nghèo vào năm 2009 trị giá 1 triệu USD. Ghi nhận sự đóng góp của Walker cho cộng đồng, năm 2006, Nữ hoàng Anh Elizabeth đã trao tặng cô Huân chương Đế chế Anh.
Núi rác Smokey ngày nào đã bị đóng cửa vào cuối thập niên 1990 và thay vào đó là khu nhà giá rẻ do chính phủ xây dựng. Nhưng với những người không thể mua nhà, họ lại chuyển đến sống cạnh một bãi rác mới nằm gần đó và Tondo tiếp tục là nơi cư ngụ của hàng chục nghìn người nghèo nhất ở Manila.
Charlita Carceno, một bà mẹ 51 tuổi có 3 đứa con đang theo học trường của cô Walker nói rằng người phụ nữ Anh đã truyền cho bà niềm tin mãnh liệt vào một ngày nào đó thoát khỏi cuộc sống nơi bãi rác.
Với Walker, sự thay đổi nhận thức của những người như bà Carceno là lý do để cô tiếp tục công việc của mình. Cô nói: “Họ nghèo nhưng họ luôn nhìn cuộc sống với thái độ lạc quan. Khi tôi nhìn thấy trẻ em bắt đầu đi học và các gia đình bắt đầu rời khu bãi rác, tôi nhận ra rằng mình đã góp phần tạo ra sự thay đổi này. Với tôi đó là phần thưởng giá trị nhất”.
Đỗ Sinh (Theo AFP)