Công nghệ đột phá trong quá khứ đã nhiều lần thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu. Đó là điện thoại thông minh (smartphone) trong thập kỷ trước, ti vi màu trong thập kỷ 1970, hoặc ô tô chạy xăng dầu hồi đầu thế kỷ 20. Và có vẻ như những năm 2020 sẽ là thập kỷ của ô tô điện.
Theo một phân tích về thị trường xe điện của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), giá ắcquy dùng cho xe điện đã giảm 35% trong năm ngoái và có xu hướng khiến giá thành của ô tô điện ngang bằng với ô tô chạy xăng trong vòng 6 năm tới. Tới năm 2040, ô tô điện đường dài được dự đoán sẽ có giá thấp hơn 22.000 USD và 35% ô tô mới sản xuất trên toàn cầu sẽ là ô tô điện.
Mẫu xe ô tô điện Model 3 của Tesla nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, bất chấp thời gian chờ đợi ít nhất 18 tháng mới có thể nhận xe. |
Câu hỏi đặt ra là những chiếc xe điện này sẽ thay thế bao nhiêu nhu cầu dầu mỏ? Và khi nào thì sự sụt giảm nhu cầu dầu đủ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới? Năm ngoái, doanh số bán ô tô điện tăng khoảng 60% trên toàn cầu. Đó là một con số đáng chú ý, bởi đó cũng là tỷ lệ tăng trưởng doanh số mỗi năm mà Tesla dự đoán tới năm 2020, và là tỷ lệ tăng trưởng tương tự giúp xe Model T của Ford vượt qua xe ngựa trong thập kỷ 1910. Theo tính toán của Bloomberg, nếu mức tăng trưởng doanh số duy trì ở mức 60% một năm, thì ô tô điện có thể thay thế nhu cầu sử dụng 2 triệu thùng dầu/ngày sớm nhất vào năm 2023. Điều này sẽ gây ra tình trạng dư cung dầu mỏ từng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi năm 2014.
Trong tuần đầu ra mắt, hãng xe điện Tesla của Mỹ thông báo nhận được hơn 325.000 đơn đặt hàng mua mẫu xe mới Model 3. Theo Reuters, con số kỷ lục này tương đương với khoảng 14 tỷ USD doanh thu trong tương lai, và khiến chính các lãnh đạo của Tesla vô cùng kinh ngạc. Theo Phó Chủ tịch bộ phận kinh doanh và phát triển doanh nghiệp của Tesla - Diarmuid O’Connel, trung tuần tháng 4 này, số lượng đăng ký mua xe đã chạm tới mốc 400.000.
Nhiều nhà phân tích nhận định cơn sốt xe điện Model 3 là sự cảnh báo đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, trong đó có cả so sánh Tesla với Apple - công ty đã thay đổi hoàn toàn thị trường điện thoại di động khi cho ra mắt iPhone.
Chuyên gia Johnston của Barclays cho rằng số lượng đặt hàng khổng lồ xe Model 3 của Tesla nhiều hơn cả doanh số bán hàng theo tháng của General Motors, cho thấy xu hướng từ bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong. Trong khi đó, các nhà phân tích Andrea James của Dougherty & Co, Mark Jones của Alliance Bernstein và George Galliers của Evercore ISI đều cho rằng Tesla đã “thay đổi cuộc chơi”.
Các nhà phân tích nhấn mạnh khả năng động cơ đốt trong sẽ bị động cơ điện thay thế, và thời điểm đó là khoảng năm 2025. Điều đáng nói là Elon Musk, CEO của Tesla, không đơn độc trong cuộc chơi này. Nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen đang nỗ lực chuyển sang sản xuất xe điện sau vụ bê bối gian lận khí thải. Trung Quốc và một số quốc gia khác đang cố gắng loại bỏ các phương tiện chạy bằng dầu mỏ và diesel khỏi đường phố và cố gắng làm cho các thành phố đáng sống hơn. Doanh số bán xe của Công ty Xe điện BYD của Trung Quốc đã tăng tới 150.000 năm 2015, và con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi mỗi năm trong 3 năm tới. Bộ trưởng giao thông Ấn Độ hồi cuối tháng 3 tuyên bố mong muốn tất cả xe cộ lưu thông trên đường sẽ chạy bằng động cơ điện vào năm 2030. Trong khi đó, Na Uy dự định thực hiện điều này năm 2025, Hà Lan cho hay sẽ ra lệnh cấm bán các xe chạy bằng dầu cùng thời điểm. Thêm vào các tín hiệu, Saudi Arabia cho biết có kế hoạch lập một quỹ trị giá 2.000 tỷ USD để chuẩn bị cho “một thế giới sau thời đại dầu mỏ” bằng việc bán các tài sản của các công ty dầu mỏ nhà nước.
Theo nhà phân tích Salim Morsy của BNEF, báo cáo của OPEC chỉ ra rằng thị trường dầu mỏ chỉ “sống” được nếu ô tô điện chiếm không quá 2% thị trường ô tô toàn cầu. Một điều chắc chắn là nếu cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra, nó sẽ kéo theo số lượng xe điện lưu thông trên đường phố tăng lên, và nhu cầu dầu mỏ giảm đi. Lúc đó liệu có còn nhà sản xuất nào bám trụ với dầu mỏ?