Tại khu vực được gọi là “vương quốc đồ trang sức” Causeway Bay ở Hong Kong, nơi từng có giá thuê cửa hàng đắt bậc nhất trên thế giới, nay trở nên vắng lặng đến không tưởng tượng nổi. Mặc dù tại đây xuất hiện những tấm biển quảng cáo giảm giá từ 60 - 70% nhưng khách hàng vẫn vô cùng thưa thớt. Theo ông Jacky Sze, quản lý một cửa hàng tại đây, lượng khách hàng giảm tới 60 - 70% so với thời kỳ hoàng kim năm 2013.
Trước đây, khách du lịch Trung Quốc đến Hong Kong sẵn sàng chi gần 13.000 USD tại trung tâm bán đồ trang sức, còn bây giờ họ chỉ mua nhiều lắm là hơn 100 USD. Điều đó khiến doanh thu bán lẻ tại Hong Kong từ tháng 1 - 7/2016 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, và giảm 22% đối với mặt hàng đồng hồ và trang sức. Hong Kong cũng vừa để tuột mất vị trí là thị trường bán đồng hồ Thụy Sĩ lớn nhất thế giới về tay Mỹ, sau khi duy trì vị trí đầu bảng liên tục trong 8 năm qua.
Du khách Trung Quốc Đại lục tới Hong Kong không còn mặn mà với các thương hiệu lớn. Ảnh: Bloomberg |
Các nhà phân tích cho rằng khách du lịch thay đổi thói quen mua sắm là do thị hiếu thay đổi. Trải nghiệm xa xỉ không chỉ co hẹp trong việc mua sắm. Ở Hong Kong, mọi thương hiệu xa xỉ đều có mặt nhưng không có sự đa dạng về giá. Hong Kong cũng không có nhiều bảo tàng hay hoạt động văn hóa. Do đó, nhiều du khách Trung Quốc khi không muốn thể hiện sự xa xỉ trong mua sắm đã chọn các điểm đến khác như Tokyo, Seoul, Paris hay Milan - nơi họ có nhiều lựa chọn tiêu tiền ngoài mua sắm.
Vấn đề mang tính cấu trúc đáng nói ở đây là doanh thu của ngành công nghiệp kinh doanh các mặt hàng cao cấp trên thế giới phụ thuộc khá nhiều vào giới nhà giàu mới nổi của Trung Quốc. Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS ước tính trong năm 2015, 47% số đồng hồ của nhà chế tạo Thụy Sỹ Swatch đã được bán cho khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, tỷ lệ khách hàng Trung Quốc của Richemont, công ty kinh doanh xa xỉ phẩm của Thụy Sĩ với những nhãn hàng nổi tiếng như Cartier, Jaeger-LeCoultre và Montblanc, cũng đạt 37%.
Edward Olver, Giám đốc điều hành Britannia Elevation, công ty chuyên về quảng bá các sản phẩm cao cấp của Anh ra nước ngoài, cho rằng quá nhiều công ty tập trung vào mở rộng thị phần của mình tại Trung Quốc. Trong khi đó Sarah Quinlan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc công ty thẻ tín dụng MasterCard, cho biết cách thức tiêu tiền của người Trung Quốc đang thay đổi. Trước đây, người Trung Quốc ưa thích đi du lịch và mua sắm, nay họ chuyển sang chi tiền cho khách sạn, nhà hàng và các hoạt động vui chơi giải trí. Do vậy, Hong Kong cần tái cấu trúc và không thể chờ đợi thời hoàng kim mua sắm mà người Trung Quốc đem lại cho họ như trước đây.
Ông Ramesh Tainwala, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất vali, túi xách Samsonite (Mỹ) cho biết hãng đã thay đổi cách tiếp thị tại Trung Quốc. Họ không quảng cáo những vali đắt tiền và tập trung giới thiệu những sản phẩm ít tiền hơn, đồng thời nhấn mạnh tính tiện lợi hơn là sự hấp dẫn xa hoa. Nhiều công ty bán hàng cao cấp nước ngoài cũng bắt đầu chuyển hướng chiến lược kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Họ mời chào các sản phẩm ít tiền hơn vì ngày càng nhiều người Trung Quốc quan tâm đến tính tiện dụng của sản phẩm hơn là chỉ coi trọng tên thương hiệu như một cách để thể hiện mình.
Ông Liz Lee, trợ lý tiếp thị của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Doxa, cho biết một biện pháp khác để đối phó với tình trạng doanh thu sụt giảm tại Trung Quốc là tìm kiếm cơ hội tại các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông và Iran.