Timor Leste sau 13 năm độc lập

Nhóm nhà báo chúng tôi đến thành phố Dili theo lời mời của Đại sứ quán Timor leste tại Việt Nam nhân dịp nước này tổ chức Hội nghị các đối tác phát triển của Timor Leste 2015.

Với chúng tôi, những thông tin về đất nước Timor Leste rất ít ỏi. Nhiều người Việt Nam biết đến Timor vì cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hơn chục năm về trước và lịch sử 450 năm bị xâm lược của nhiều ngoại bang trên mảnh đất chỉ vẻn vẹn 15.000 km2 này. Còn thế hệ chúng tôi ngày nay biết đến Timor Leste qua những trận đấu bóng đá khu vực có đội tuyển Timor chưa đá đã biết là thua.

Mảnh đất kiên cường và tự trọng

Có lẽ người dân Timor Leste khá giống chúng ta bởi ý chí độc lập tự cường. Điều đó đã giúp họ có một quốc gia riêng dù dân số chỉ bằng một tỉnh của Việt Nam. Người Timor không chấp nhận sự chiếm đóng ngoại bang và dù mất đi tới hơn 200.000 sinh mạng, cuối cùng dân tộc này đã giành được độc lập sau 25 năm bị đô hộ. Trên đường phố ở Dili, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh của Che Guevara, nhiều gia đình ở Timor vẫn treo ảnh của Hồ Chí Minh. Từ lãnh đạo tới người dân thường ở Timor, ai nấy cũng đều yêu mến hai nhân vật đã đi vào huyền thoại của thế kỷ 20. Trong cuộc gặp riêng với chúng tôi, ngài Ngoại trưởng Coelho da Silva tâm sự rằng chính cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam là niềm cổ vũ lớn cho cuộc đầu tranh giành độc lập của Timor Leste sau này.

Một góc bãi biển rất đẹp ở thủ đô Dili của Timor Leste. Ảnh: Hương Chi


Sau khi chính thức được công nhận độc lập vào tháng 5/2002, người dân Timor bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới trên đống đổ nát. Một phần ba dân số Timor đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến, 85% nhà cửa và phần lớn cơ sở hạ tầng của nước này bị phá hủy. Đất nước Timor phải bắt đầu từ con số 0. Hơn 13 năm đã trôi qua, đất nước Đông Timor đang biến đổi từng ngày. Những con đường hai chiều, các phương tiện ôtô, taxi, xe máy nối đuôi nhau. Quán xá nhộn nhịp và một số siêu thị đã xuất hiện dù hàng hóa chưa nhiều và chưa đa dạng. Dọc tuyến đường bên bờ biển là những khách sạn, nhà hàng, các cơ quan ngoại giao, nhiều khu đất đẹp đã được quy hoạch chờ xây dựng.

Mặc dù đất nước còn nghèo nhưng xe chạy trật tự, ít thấy chen lấn, đi sai làn đường. Điều dễ nhận thấy nhất ở đây là dân số rất trẻ, khắp nơi chỉ toàn trẻ em và thiếu niên, đây chính là nguồn lực lớn của Timor Leste. Trên đường đến trường, những đứa trẻ cười đùa, nắm tay ca hát. Chương trình giáo dục ở trường không những truyền đạt kiến thức mà còn dạy về đạo đức và cách sống. Dù nghèo trẻ em ở đây không có thói quen chìa tay xin người nước ngoài. Một anh bạn làm đại diện cho Viettel tại đây cho biết bạn sẽ không thấy bất kỳ người ăn xin nào ở trên đường. Người dân Timor có lòng tự trọng rất cao và với họ, nghèo không có nghĩa là hèn. Ngoài giờ tới trường, trẻ em ở đây cũng được giao các công việc vặt như giã bắp bằng những chiếc chày nặng. Chúng vẫn vui vẻ làm việc, dường như không chút ưu tư vì sinh ra ở một đất nước thuộc mười quốc gia nghèo nhất thế giới.

Dân nghèo tiêu tiền “đô”

Vì không có đồng tiền riêng, lại sử dụng đồng USD nên giá cả tại Timor Leste rất đắt đỏ. Chúng tôi bắt một cuốc taxi từ khách sạn tới Trung tâm hội nghị quốc tế Dili có giá 3 USD cho quãng đường chỉ khoảng 1 km. Nếu ở Việt Nam, có lẽ chúng tôi chỉ phải trả 20.000 đồng. Một đĩa cơm đơn giản có chút thịt và rau giá khoảng 6 -7 USD, khá cao so với thu nhập của người dân lao động tại đây. Giá cả đắt đỏ, hàng hóa khan hiếm là những nét đặc trưng ở Timor Leste.

Anh Nguyễn Cảnh Hòa, Tổng Giám đốc Viettel tại Timor Leste (Telemor), kể cho chúng tôi những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi mới sang đây cách đây vài năm, anh rất bất ngờ với giá cả hàng hóa và cách bán hàng tại đây. Một chiếc sim điện thoại giá vài chục USD, mua thêm một thẻ nạp tiền 5 USD, gọi về trong nước chỉ nói được vài câu. Khi mới mở công ty, anh ra cửa hàng bán xe máy hỏi mua 10 chiếc xe để sử dụng cho nhân viên, người bán hàng hồn nhiên nói mỗi chiếc xe giá 1.100 USD, nhưng nếu mua 10 chiếc phải trả thêm mỗi chiếc 50 USD. Lý do là vì họ “sợ không còn hàng để bán”.

Tương tự, khi ghé vào một của hàng điện tử mua đôi loa máy tính, giá một chiếc loa là 30 USD, nhưng nếu mua một đôi là… 70 USD. Giá cả đắt đỏ trong khi thu nhập người dân, chủ yếu là làm nông và đánh bắt cá, rất thấp khiến cuộc sống của họ khó khăn. Tuy nhiên, mỗi tháng, Chính phủ Timor Leste trợ cấp cho mỗi người dân khoảng 30 USD, số tiền này cũng đủ để họ mua gạo và ít thực phẩm. Tuy là nước nghèo, nhưng Chính phủ hoàn toàn miễn phí giáo dục, y tế và nước sạch cho người dân. Vài năm trước, dùng điện cũng được miễn phí, nhưng gần đây người dân phải trả tiền thông qua hình thức nạp mã thẻ vào côngtơ điện. Nguồn thu chính của đất nước Timor Leste là xuất khẩu dầu mỏ, đóng góp tới 94% ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, trữ lượng dầu mỏ không còn nhiều, nên chính phủ nước này đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và du lịch. Những bãi biển hoang sơ, rất đẹp, nước xanh ngắt chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho nước này trong tương lai. Timor Leste đang muốn trở thành một Bali thứ hai.

Tôn thờ cá sấu

Có một điều đáng chú ý khi tới Timor Leste là chúng tôi gặp rất nhiều biểu tượng cá sấu, các đồ lưu niệm có hình dáng cá sấu được bầy bán khắp nơi. Hỏi người dân địa phương, chúng tôi được biết cá sấu là con vật linh thiêng và được coi là vị thần của Timor Leste, không ai ở đây ăn thịt cá sấu. Theo truyền thuyết, ngày xưa có một em bé thấy một con cá sấu nhỏ sắp chết bên bờ biển. Em tìm cách cứu sống và chú cá sấu hứa khi nào em cần sẽ hiện lên, đưa đi bất kỳ nơi đâu. Vài năm sau, cậu bé ra biển và gặp cá sấu khi đó đã trở thành một con cá sấu to lớn, cậu bé nói với cá sấu rằng cậu muốn đi khắp thế giới, tới tận chân trời.

Cá sấu đã đưa chú bé ngồi trên lưng đi khắp các đại dương, nó dần kiệt sức và nói với chú bé rằng: Chúng ta đã đi quá lâu, giờ tôi không còn sức lực nữa, tôi sẽ biến thành một hòn đảo xinh đẹp để bạn và con cháu bạn sau này sinh sống để nhìn thấy Mặt Trời lặn dưới biển. Một câu chuyện đẹp mang tính nhân văn sâu sắc. Theo người dân Timor, chú cá sấu đó đã biến thành mảnh đất Timor Leste và quả thật đất nước này có hình rất giống một con cá sấu. Người dân ở đây cho biết khi đi biển, nếu ai bị cá sấu cắn, gia đình của người đó sẽ không lấy làm buồn mà coi đây là điều may mắn vì được vị thần cá sấu chọn mang đi.

Đất nước Timor Leste có hình rất giống con cá sấu.


Niềm đam mê bóng đá

Dù là một nước nghèo, truyền hình chưa đến được với mọi gia đình và các trận đấu bóng đá không được truyền hình trực tiếp, nhưng người dân Timor Leste rất đam mê và cuồng nhiệt với môn thể thao vua này. Bạn có thể thấy thanh niên ở đây chơi bóng suốt ngày bên các bãi biển. Dù bóng đá ở đây chưa phát triển, những mỗi trận đấu bóng đá là một ngày hội. Sân vận động luôn chật kín, người ta còn trèo lên nóc nhà, cột điện, ngọn cây để xem bóng đá. Chúng tôi đến Timor đúng vào đêm diễn ra trận chung kết Champions League giữa hai câu lạc bộ Barcelona và Juventus. Do không có truyền hình trực tiếp, nhiều thanh niên trẻ tụ tập bên bãi biển, nơi có một trạm phát wifi miễn phí, họ theo dõi diễn biến trận đấu qua những chiếc máy tính xách tay hoặc smartphone đến tận 5h sáng. Tất cả đều mặc áo của Barcelona - đội bóng danh tiếng lớn nhất thế giới, họ mang theo cờ và hò hét cổ vũ đội bóng mà họ yêu thích. Sau trận đấu, thanh niên trai gái ngồi xe máy diễu hành khắp đường phố, nhưng không hề có đua xe hay gây rối trên đường.

Người Việt ở Timor Leste

Người Việt ở Timor Leste hiện có khoảng 80 người, trong đó có gần 30 anh em là nhân viên của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel từ trong nước sang đây làm việc. Tất cả đều rất trẻ, năng động, nhiều người chưa có gia đình, có cả hai bạn gái, họ đến với mảnh đất xa xôi này với sứ mệnh: Giúp mọi người dân nước bạn tiếp cận được các dịch vụ viễn thông và Internet với giá cả hợp lý. Dù mới hoạt động chưa đầy 3 năm, thương hiệu Telemor đã trở nên quen thuộc với mọi người dân tại Timor Leste.

Anh Nguyễn Cảnh Hòa, Tổng Giám đốc Telemor, cho biết doanh nghiêp hiện đã dẫn đầu thị trường với 400.000 khách hàng trên tổng 1,2 triệu dân, lớn hơn số lượng khách hàng mà nhà mạng đầu tiên phát triển trong 10 năm kinh doanh trước đó. Từ khi hoạt động, Telemor đã góp phần đưa giá viễn thông giảm xuống 20 lần. Cả ngài Thủ tướng và Ngoại trưởng Timor khi gặp nhóm nhà báo Việt Nam đều cảm ơn và đánh giá rất cao sự đầu tư của Viettel vì nhờ có Telemor mà người dân nghèo ở đây mới được sử dụng điện thoại và Internet với giá hợp lý và chất lượng tốt.

Qua giới thiệu của anh Hòa, chúng tôi đến thăm cửa hàng của gia đình anh Nguyễn Kim Ngoãn, một người có quê ở Sóc Trăng đến sinh sống tại Timor từ năm 2003. Nằm trên một con phố chính ở ngay giữa trung tâm, cửa hàng bán đồ ăn sẵn của anh rất đông khách từ sáng đến tối mịt. Món thịt lợn quay, gà nướng, thịt kho đúng hương vị Việt của anh được người dân bản địa rất yêu thích vì hợp khẩu vị. Mỗi tháng, gia đình anh thu nhập vài nghìn USD, mức thu nhập được xem là ước mơ của nhiều người dân ở đây. Anh Ngoãn bồi hồi kể cho chúng tôi về những khó khăn và gian nan khi vợ chồng anh mới tới Timor, trong đó khó khăn nhất chính là nỗi cô đơn, hiu quạnh của  người xa xứ. Không có bất kỳ người Việt nào tại Dili, cuộc sống càng thêm khó khăn khi cửa hàng của anh bị đốt cháy vào năm 2006 do bạo loạn.

Hiện gia đình anh Ngoãn đã có gần chục thành viên, 3 thế hệ gồm anh chị, hai con trai, hai con dâu và ba cháu nhỏ cùng sống trong một ngôi nhà, mọi người đều cần cù, chịu khó và mến khách đúng như tính cách của người Việt. Đồng tiền kiếm được anh chắt chiu dành dụm gửi về nước giúp đỡ anh em họ hàng và xây cất một căn nhà ở quê. Anh Ngoãn nói khi về già, anh chị sẽ về quê ở bởi không đâu bằng quê hương đất nước mình. Có lẽ điều vui nhất của chúng tôi là gặp đồng bào ở một nơi xa lạ nhưng được đón tiếp nồng hậu và chân tình. Anh Ngoãn mời chúng tôi ăn bữa cơm Việt. Bữa cơm này và cái ôm chia tay đầy cảm động của anh có lẽ sẽ khiến chúng tôi nhờ mãi.

Đất nước Timor Leste non trẻ còn rất nghèo, do vậy chính phủ tại đây đang nỗ lực kêu gọi đầu tư hợp tác với nước ngoài để đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển đất nước. Dù nằm giữa khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhưng Timor Leste có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo với các nước ASEAN. Mong muốn gia nhập ASEAN của Timor đã có từ những năm 70 của thế kỷ trước sau khi nước này thoái khỏi sự đô hộ của Bồ Đào Nha. Timor Leste cũng đã chính thức nộp đơn xin gia nhập ASEAN từ năm 2011 và có lẽ trong tương lai không xa, nước này sẽ gia nhập “ngôi nhà chung” của chúng ta. Một Timor Leste ổn định và phát triển, gia nhập ASEAN không chỉ là mục tiêu của các nhà lãnh đạo nước này mà còn là mong muốn chung của các nước trong khu vực.


Thanh Bình (Viết từ Timor Leste)
Trung Quốc có nhiều triệu phú thứ hai thế giới
Trung Quốc có nhiều triệu phú thứ hai thế giới

Trung Quốc hiện có khoảng 4 triệu triệu phú, con số cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN