Nhiều người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng đã bắt đầu cảm nhận những mệt mỏi từ các thiết bị công nghệ cao khi ngày càng nhiều người trong số họ bị những chứng bệnh như vẹo cổ hay chấn thương ngón tay.
Sử dụng smartphone trong thời gian quá dài và ở những tư thế không đúng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. |
Các chuyên gia y tế Anh mới đây cảnh báo, những chấn thương do dành quá nhiều thời gian dán mắt vào màn hình nhỏ và bấm trên những phím nhỏ có thể khiến sức khỏe người sử dụng bị suy yếu.
Ngày nay, ngày càng nhiều người Anh sử dụng smartphone để truy cập Internet thay vì chỉ để gọi điện. Những chiếc smartphone này được tích hợp nhiều tính năng đến mức đã trở thành những chiếc máy tính cá nhân gọn nhẹ có thể đút vừa túi áo. Theo thăm dò gần đây của công ty nghiên cứu thị trường YouGov, 44% người Anh sử dụng điện thoại di động cho những việc khác ngoài gọi điện với khoảng thời gian từ 30 phút đến 2 tiếng mỗi ngày.
Bác sĩ Tim Hutchful thuộc Hiệp hội Xương khớp Anh cho biết: “Một bệnh nhân của tôi bị sưng dây chằng ở ngón tay cái vì sử dụng điện thoại di động và đã không thể dùng bàn tay trong nhiều tuần vì đau”. Một bác sĩ khác thuộc Hội Vật lý trị liệu Anh, Sammy Margo, cho rằng cơ thể con người không phù hợp với việc sử dụng những thiết bị như vậy do các phím quá nhỏ. Một trong những bệnh nhân của bác sĩ Margo bị đau tay và không thể gõ văn bản trên điện thoại mà thay vào đó phải sử dụng phần mềm ra lệnh bằng giọng nói.
Cùng với các chấn thương tay, các chuyên gia còn chỉ ra nhiều vấn đề khác khi người sử dụng ngày càng dành nhiều thời gian trước các màn hình nhỏ của smartphone và máy tính bảng. Bác sĩ Hutchful giải thích: “Trọng lượng trung bình của phần đầu trong cơ thể người là từ 4,5 đến 5,55 kg. Ở tư thế lý tưởng, khi một đường thẳng được tạo thành từ tai của bạn qua vai, hông, đầu gối và mắt cá, trọng lượng đầu sẽ được chia đều. Nhưng nếu phần đầu liên tục bị đưa ra phía trước để nhìn vào một màn hình, khi đó tư thế không đúng sẽ khiến ta cảm thấy phần đầu mình nặng hơn gấp 4 lần, làm tăng căng thẳng trên khắp cơ thể”.
“Text neck” (chứng đau cổ hoặc vẹo cổ vì gõ văn bản) đã trở thành một biểu hiện mới của tình trạng “Chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại” (RSI), một tình trạng ảnh hưởng tới 1/50 người lao động tại Anh. RSI là cái tên chung được gán cho một nhóm chấn thương ảnh hưởng tới các cơ, dây chằng và các dây thần kinh chủ yếu của cổ và các chi trên. Nó đặc biệt phổ biến đối với những người lao động phải làm việc lâu với máy tính và chuột vi tính. Tuy có thể điều trị được nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng không thể phớt lờ những dấu hiệu sớm của nó.
Tại Pháp, RSI là nguyên nhân chính khiến người lao động bị ốm và phải nghỉ làm. Emmanuelle Rivoal, một bác sĩ xương khớp và vật lý trị liệu, cho biết, ngày càng có nhiều bệnh nhân không thể hoạt động bình thường được do bị đau khi họ phải ngồi tới hơn 5 giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính.
Mặc dù bác sĩ Hutchful không có ý tẩy chay điện thoại thông minh, nhưng ông cũng đưa ra một số lời khuyên cho những “tín đồ” của công nghệ nhằm tránh chấn thương, chẳng hạn như chỉ nên sử dụng smartphone dưới 40 phút mỗi ngày. “Chúng ta nên duy trì thời gian sử dụng điện thoại thông minh ở mức thấp nhất, thường xuyên tạm ngừng sử dụng và chuyển sang các phương pháp tương tác khác như phần mềm nhận biết giọng nói”. Bác sĩ Margo thì cho rằng, những nhóm có nguy cơ lớn nhất là trẻ em và thanh thiếu niên vì họ mê điện thoại thông minh và máy tính nhất. “Tôi đã biết có trường hợp, các thành viên trong một gia đình giao tiếp với nhau từ phòng này sang phòng khác bằng tin nhắn điện thoại. Chúng ta cần hạn chế kiểu giao tiếp như vậy”, bà Margo nói.
Thu Hằng