Việc hàng triệu người ngồi hàng chục tiếng đồng hồ trước màn hình tivi để theo dõi quá trình đan len, đàn cá bơi ngược dòng hay củi cháy lốp đốp trong lò tưởng như chuyện đùa nhưng lại hoàn toàn có thật ở Na Uy. Người dân nơi đây đang bị mê hoặc bởi cái gọi là “tivi chậm”.
Hình ảnh trong chuyến hành trình của con tàu qua bờ biển Na Uy chiếu trên truyền hình ngày 19/6/2011. |
Kênh truyền hình NRK tại Na Uy đi tiên phong mở đầu trào lưu kỳ lạ này khi mạo hiểm cho công chiếu những chương trình truyền hình thực tế dài hàng giờ trong quãng “giờ vàng”, vốn thuộc về các chương trình giải trí và phim truyền hình.
Với kỷ lục 134 giờ chiếu không gián đoạn, thể loại giải trí với tốc độ “sên bò” nay đã trở thành “đặc sản” của người Na Uy. Ông Rune Moeklebust, một quan chức của NRK, chia sẻ: “Đây là chương trình về cuộc sống thực, không hề bị cắt gọt khi lên sóng”.
Khởi nguồn của “tivi chậm” bắt đầu vào năm 2009, trùng với thời điểm 100 năm ra đời tuyến đường sắt nối thành phố Bergen với thủ đô Oslo. Để kỷ niệm sự kiện này, NRK đã đặt các máy quay camera bên trong đoàn tàu hỏa ghi lại hành trình dài 7 giờ 16 phút trên tuyến đường được tô điểm bằng những ngọn núi phủ tuyết trắng và các thung lũng mù sương đẹp đến nín thở. Và thành công ngoài sức tưởng tượng đã đến với NRK khi 1,2 triệu người (1/4 dân số Na Uy) đã chăm chú theo dõi toàn bộ hoặc một phần chuyến hành trình.
Sau thành công vang dội bước đầu này, đến năm 2011, ông Moeklebust đã đề xuất ý tưởng truyền hình trực tiếp về Coastal Express, tuyến tàu thủy đi qua bờ biển đẹp như mơ ở phía tây Na Uy.
Và một lần nữa thể loại “tivi chậm” lại trở thành hiện tượng khi có tới 3,2 triệu người Na Uy đã háo hức theo dõi chương trình kéo dài 5 ngày về hành trình của chuyến tàu thủy, thậm chí hàng trăm người còn đổ ra các bến cảng để ngắm con tàu.
Chuỗi chương trình này như một chất gây nghiện đối với nhiều người dân Na Uy. Cụ ông Knut Grimeland, 82 tuổi, tâm sự: “Tôi gần như không ngủ vì không thể rời mắt khỏi chiếc tivi. Đôi lúc tôi ngủ gật trên ghế sofa nhưng trong 5 ngày liền tôi nhất quyết không lên giường ngủ”.
Thành công nối tiếp thành công, NRK sau đó đã thực hiện các chương trình truyền hình thực tế khác với thời gian phát sóng “khủng” như chơi cờ trong 100 giờ, cá hồi bơi ngược dòng trong 18 giờ, đốn củi đốt lửa trong 12 giờ... Công thức chung của “món đặc sản” này vô cùng đơn giản: Một màn giới thiệu dài dòng và sau đó là diễn biến của sự việc với độ dài miên man. Ví dụ như chương trình đan len kéo dài 12 tiếng đồng hồ sẽ bắt đầu từ quá trình xén lông cừu cho đến mũi đan cuối cùng của chiếc áo len.
Tại sao “tivi chậm” lại tạo được thành công ngoài sức tưởng tượng như vậy? Lý do, theo ông Moeklebust, là “tivi chậm” thu hút mọi tầng lớp và thế hệ, thanh niên bị cuốn hút bởi sự kỳ lạ của chương trình còn người lớn tuổi lại yêu thích chủ đề về những chuyến hành trình”.
Trong khi đó, Avre Hjelseth, nhà xã hội học tại Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy, lại nhận định “dường như hầu hết người dân nước này ưa thích sự chậm rãi và “tivi chậm” là cơ hội để người ta ngồi lại, thư giãn và suy ngẫm”. Nhà phân tích Oystein Johansen đã so sánh việc trải nghiệm “tivi chậm” gần giống với xem đua xe ô tô: “Mọi người đều chăm chú theo dõi xem việc gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Oystein chia sẻ ông cũng đã tò mò theo dõi chương trình về tuyến đường sắt, bị cuốn hút và ngồi hàng giờ liền trước tivi.
Ý tưởng về truyền hình chậm đã được VG Nett, trang điện tử của tờ báo được đọc nhiều nhất Na Uy, áp dụng khi lập kỷ lục Guinness với cuộc phỏng vấn kéo dài 30 giờ không nghỉ với tác giả truyện trinh thám nổi tiếng Hans Olav Lahlum. Hàng nghìn người đã theo dõi cuộc phỏng vấn này.
Tuy đã trở thành cơn sốt tại Na Uy nhưng không hẳn mọi người dân ở đất nước Bắc Âu này đều ưa thích “tivi chậm”. Trond Blindheim, một hiệu trưởng tại Oslo, nói: “Thật là không thể tưởng tượng được công chúng lại có thể ngồi và nhìn chằm chằm vào màn hình tivi trong nhiều giờ liền”.
Hà Linh