Gìn giữ biển cho các thế hệ mai sauCác ngư dân trong tỉnh Mie phải thực hiện quy định về giới hạn kích thước của hải sản đánh bắt, chỉ cho phép đánh bắt hải sản có chiều dài từ 20cm trở lên.
Tuy nhiên, đảo Tojishima thậm chí còn đặt ra những quy định khắt khe hơn, hải sản có chiều dài dưới 30cm sẽ được thả trở lại biển và áp dụng quy định riêng về việc cấm dùng mồi đánh bắt cá vì lo ngại sẽ làm ô nhiễm đại dương.
Tojishima còn có quy định trong trường hợp sản lượng hải sản đánh bắt được ở mức thấp hoặc tảo ở khu vực này không phát triển tốt, các ngư dân sẽ phải thảo luận về việc tạm ngừng hoạt động đánh bắt hải sản.
Tảo arame được phát triển trên các viên đá trước khi được thả xuống biển. |
Từ năm 2005, ngư dân nơi đây đã bắt đầu nỗ lực phục hồi tảo arame, một loại tảo biển dùng làm thức ăn cho bào ngư. Một nhóm các thanh niên trong hợp tác xã ngư nghiệp tạo những viên đá xi măng với các sợi dây được cố định trên đá. Sau đó, những người này sẽ trồng tảo arame lên các thanh gỗ, buộc thanh gỗ vào các viên đá và thả xuống biển để làm thức ăn cho các sinh vật biển.
Học sinh trung học tại Tojishima cũng được tham gia vào hoạt động này với mục tiêu giúp cho các em ý thức về việc gìn giữ và phát triển hệ sinh thái biển tại địa phương. Theo thống kê của địa phương, doanh số đánh bắt của Tojishima năm 2014 đạt 1,94 tỷ yên, tương đương với thu nhập của 10 năm trước. Điều này chứng minh sự thành công của người dân Tojishima trong nỗ lực gìn giữ tài nguyên biển và phát triển ngành ngư nghiệp địa phương.
Với người dân Tojishima việc đặt ra quy định riêng của địa phương và tuân thủ nó là vì lợi ích của cộng đồng. Neyako đã xây dựng cộng đồng Tojshima thành một đại gia đình và tất cả đều cảm thấy trách nhiệm phải gìn giữ nơi đây cho các thế hệ mai sau.
Chính nhờ những nỗ lực bảo vệ ngành đánh bắt hải sản cũng như xây dựng một cộng đồng đoàn kết, Tojishima là một trong những địa phương hiếm hoi mà tỷ lệ thanh niên mong muốn nối nghiệp nghề đánh bắt hải sản vẫn ở mức cao.
Hiện tại, có 617 lao động đang làm việc trong ngành đánh bắt hải sản địa phương trong đó tỷ lệ ngư dân ở độ tuổi 65 trở lên là 27%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 40%.
Nơi bảo tồn các phong tục độc đáoCùng với phong tục Neyako, người dân Tojishima còn nổi tiếng với việc duy trì được những phong tục từ xa xưa. Dạo quanh các con ngõ nhỏ của Tojishima, đâu đâu bạn cũng sẽ bắt gặp ký hiệu Maruhachi, chữ Bát (số 8) trong vòng tròn, biểu tượng của đền thờ Hachiman.
Ký hiệu Maruhachi trên tường một ngôi nhà ở Tojishima. |
Trên tường, cánh cửa của mỗi một ngôi nhà hay trên mạn thuyền của ngư dân ở Tojishima đều được vẽ ký hiệu này. Theo truyền thống, trong dịp lễ hội tháng Giêng hàng năm (theo âm lịch) tại đền Hachiman, người dân sẽ xin mực tại lễ hội để về tự viết biểu tượng Maruhachi tại nhà mình với cầu mong sẽ có một mùa đánh bắt hải sản bội thu và bình yên cho cả gia đình trong năm.
Một sự khác biệt nữa của người dân trên đảo Tojishima là Shimenawa, một đồ trang trí truyền thống thường được treo trước cửa vào dịp Năm mới. Tại Tojishima, Shimenawa được treo quanh năm với ý nghĩa các vị thần luôn luôn được chào đón và chỉ được thay thế vào cuối năm.
Các vật liệu làm nên Shimenawa đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Các sợi rơm trên Shimenawa thể hiện sự biết ơn của con người đối với hạt gạo, cầu nguyện mùa màng bội thu và cũng là những sợi gai để ngăn chặn các linh hồn xấu vào nhà. Tại Tojishima, các dòng chữ viết trên bảng gỗ của Shimenawa sẽ do các bậc cao tuổi trong làng chấp bút.
Có thể nói, tại Tojishima, chính những phong tục truyền thống đã trở thành sợi dây bền vững kết nối toàn bộ cộng đồng.Với ý thức phát huy những truyền thống tốt đẹp và gìn giữ những món quà quý giá của thiên nhiên, người dân nơi đây đã xây dựng Tojishima thành một trong những địa phương điển hình của Nhật Bản.
Chủ nhiệm chi nhánh Toshi Branch của Hợp tác xã Ngư nghiệp Toba Isoba, ông Kohei Nakamura đã nói với tôi rằng tất cả những nỗ lực của người dân Tojishima không chỉ để dành cho các thế hệ tương lai của vùng đất này mà cho tất cả mọi người dân Nhật Bản.