(Tiếp theo và hết)
Cầu kỳ và tinh xảo
Búp bê Karakuri được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu như gỗ, xương hoặc sừng, trong đó gỗ chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Các loại gỗ dùng để chế tác Karakuri được lựa chọn rất cẩn thận, có độ nặng nhẹ khác nhau. Công đoạn khó nhất trong chế tác Karakuri chính là tạo khuôn mặt búp bê và tạo chuyển động búp bê. Đây là công việc của các nghệ nhân trình độ bậc thầy. Đối với công đoạn tạo hình, các nghệ nhân sử dụng các thiết bị chuyên dùng để gọt gỗ, tạo nét mặt, biểu cảm của từng loại Karakuri. Dưới các bàn tay tài hoa, búp bê Karakuri thường có nét mặt cực kỳ sinh động.
Công đoạn khó thứ hai là tạo chuyển động. Các nghệ nhân phải nghiên cứu, phác thảo sơ đồ các chuyển động mà họ dự định tạo cho một búp bê Karakuri. Đặc biệt đối với các búp bê cử động bằng hệ thống bánh răng, các nghệ nhân phải xác định số bánh răng, số răng cưa trên bánh, khoảng cách giữa mỗi răng cưa của mỗi bánh và độ to nhỏ của từng bánh răng. Thử tưởng tượng với một búp bê có cử động phức tạp, toàn bộ các bánh răng cửa to nhỏ với số răng cưa trên từng bánh đều được gọt giũa bằng tay. Công việc này đòi hỏi sự chính xác đến từng milimet để đảm bảo các bánh răng sẽ hoạt động phối hợp nhịp nhàng sau khi được kết nối với nhau. Cử động búp bê càng phức tạp thì số bánh răng cưa càng nhiều. Nghệ nhân Tamaya Shobei đời thứ 9 cho biết, một búp bê Karakuri có thể mất đến một năm mới hoàn thiện.
Chính vì công phu như vậy, cho nên số búp bê Karakuri được hoàn thiện đến nay không nhiều và có giá thành rất đắt. Theo nghệ nhân này, búp bê Karakuri được làm hầu như chỉ để phục vụ cho các lễ hội, trang trí và làm quà tặng trong các dịp quan trọng.
Kết cấu bên trong của một búp bê Karakuri |
Búp bê Karakuri có ba loại chính gồm Dashiki Karakuri, búp bê lễ hội, Shibai Karakuri, búp bê trình diễn trên sân khấu và Zashiki Karakuri, búp bê trang trí trong nhà.
Dashiki Karakuri là búp bê lớn đặt trên xe rước trong các lễ hội. Xe có ba tầng với tầng trên cùng là các búp bê Karakuri trình diễn các vở kịch dựa trên những câu chuyện truyền thuyết. Tầng hai là nơi các nghệ nhân điều khiển Karakuri và tầng dưới cùng là nơi các nghệ nhân chơi nhạc. Có hai loại Dashiki Karakuri là Ito Karakuri, búp bê được khiển bằng dây, và Hanare Karakuri, búp bê hoạt động bằng một cơ chế đặc biệt bên trong mà không cần sự điều khiển của con người.
Shibai Karakuri là búp bê trình diễn trên sâu khấu, gần giống với múa rối tại Việt Nam. Tuy nhiên, cử động của Shibai Karakuri phức tạp hơn và thường là nhờ vào cơ cấu đồng hồ hoặc sức nước, không nhờ vào sự điều khiển của con người.
Zashiki là loại Karakuri nhỏ nhất, được dùng để trang trí trong phòng khách. Thời phong kiến, đây là thứ đồ vật xa xỉ, chỉ dành cho giới quý tộc. Trong số các loại Karakuri, Zashiki có chủng loại phong phú nhất và nhiều cử động phức tạp nhất. Hai loại Zashiki nổi tiếng nhất là Karakuri bắn cung, gọi là Yumihiki Doji, Karakuri dâng trà, gọi là Chakahobi.
Yumihiki Doji là búp bê ngồi trên bục cao khoảng 30cm, lần lượt nhặt bốn mũi tên trước mặt và bắn vào mục tiêu đặt sẵn là một chiếc trống nhỏ. Hoạt động của Yumihiki Doji dựa trên các bánh răng được gắn với nhau. Nghệ nhân, sau khi đặt bốn mũi tên vào giá trước mặt Yumihiki Doji, sẽ lên dây cót. Các bánh răng quay tạo ra chuyển động lần lượt như nhau, Yumihiki Doji từ từ nhặt mũi tên, lắp vào cung, quay mặt ra phía đích, hướng cung về đích, kéo dây cung và bắn tên. Sau khi bắn xong mũi tên thứ nhất, Yumihiki Doji lại tiếp tục quay mặt về phía giá đựng tên. Các chuyển động sẽ được lặp lại theo quy trình trên cho đến mũi tên cuối cùng. Theo nghệ nhân Tamya Shobei, nét mặt của Yumihiki Doji được khắc họa một cách sinh động, thể hiện gương mặt hài lòng với thành tích của mình.