Báo Độc lập (Nga) tuần qua đăng tin sau lệnh cấm vận và sự mất giá của đồng ruble, thị trường Nga tràn ngập thực phẩm giả.
Trong khi đó, lượng dầu cọ nhập khẩu, được sử dụng để làm giả sữa, phomai và tvoroc (một sản phẩm làm từ sữa giàu hàm lượng can-xi) tăng hơn 33%.
Người tiêu dùng khó phân biệt các sản phẩm chế biến từ sữa giả và thật. Ảnh: Reuters
|
Tùy theo từng sản phẩm chế biến từ sữa, lượng hàng giả thậm chí còn chiếm đến 50%. Điều nguy hại là theo khẳng định của Cơ quan giám sát nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor, người tiêu dùng hoàn toàn không thể phân biệt giữa thực phẩm giả và thật.
Ông Alexey Alekseenko, Trợ lý Giám đốc Rosselkhoznadzor cho biết cơ quan này biết rõ thực trạng trên, song đã không thể giải quyết vấn đề bởi điều đó vượt quá thẩm quyền của mình.
Nhiều chuyên gia nhận thấy việc tăng bất thường lượng dầu cọ nhập khẩu và nghi ngờ về sản lượng phomai của Nga tăng mạnh. Trước đó trong trang blog cá nhân của mình trên tờ "Tiếng vọng Moskva", Giám đốc Viện Phân tích chiến lược thuộc tập đoàn FBK, ông Igor Nikolaev cũng lưu ý hiện tượng này.
Dầu cọ gần như trở thành loại hàng duy nhất có tỷ lệ nhập khẩu tăng, bất chấp gần một năm qua, Nga đã phải hứng chịu
những đợt cấm vận trừng phạt liên tiếp từ phương Tây.
Ông Nikolaev cho biết Indonesia, Hà Lan và Malaysia là các nhà cung cấp dầu cọ chủ lực của Nga. Theo Cơ quan thống kê Nga Rosstat, trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng nhập khẩu "dầu cọ và sản phẩm dầu cọ" tại Nga tăng 37% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, sản xuất sữa trong nước giảm gần 2% trong cùng kỳ, nhưng việc sản xuất phomai và các sản phẩm từ sữa lại tăng khoảng 33%.
Có thể vin vào giả định rằng việc sản xuất phomai tăng là do lượng sữa ngoại nhập khẩu tăng, nhưng trên thực tế các số liệu thống kê không ghi nhận điều này. Thậm chí, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng sữa nhập khẩu của Nga giảm khoảng 34%.
Rosselkhoznadzor cho biết cơ quan này có tham gia quá trình giám sát, và các hoạt động giám sát đặc biệt, khi duy trì hoạt động của các phòng kiểm định chất lượng dọc biên giới.
Tuy nhiên, ông Alekseenko cho rằng cần có những cải cách đáng kể quy trình giám sát cũng như sửa đổi và cải tiến khuôn khổ pháp lý, cho phép nối dài cánh tay giám sát cho cơ quan.
Tờ báo viết tiếp: chúng ta có thể thấy trên báo chí những bài viết, chứng minh rằng ăn dầu cọ không có hại, mà thậm chí đôi khi còn có lợi. Một số chuyên gia gọi dầu cọ là chất phụ gia, có thể ăn và tương đối vô hại. Dầu cọ còn được sử dụng trong sản xuất thức ăn trẻ em, mang lại các sản phẩm gần giống sữa mẹ.
Vào cuối năm 2012, tại một cuộc họp báo do hãng tin Nga RIA Novosti tổ chức, Trưởng phòng thí nghiệm thực phẩm của Viện dinh dưỡng Nga, ông Vladimir Bessonov tuyên bố rằng dầu cọ và các sản phẩm của nó không chứa chất độc hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, cũng chính Cơ quan giám sát hàng tiêu dùng Nga năm 2012 lại đòi hỏi hạn chế nhập khẩu phomai từ Ukraine vì hàm lượng dầu cọ cao.
Và tiếp theo câu chuyện này, ngày 12/5, Rosselkhoznadzor cảnh báo các loại thực phẩm có chứa thành phần dầu cọ không phải là an toàn.
Dầu cọ nhập vào Nga tăng tới 37% trong 2 tháng đầu năm 2015. (Ảnh: Nguyên liệu chế biến dầu cọ tại Malaysia). Ảnh: Reuters. |
Ông Alekseenko giải thích, các dạng khác nhau của dầu cọ có những tính chất khác nhau, chẳng hạn, dầu dạng nhẹ sẽ an toàn hơn dầu dạng nặng và việc lạm dụng dầu cọ có thể gây ảnh hưởng hệ thống tim mạch. Các doanh nhân vô đạo đức có thể mua dầu nặng, vì nó rẻ hơn và cho lợi nhuận cao.
Các nhà sản xuất sữa cũng lên tiếng về vấn đề sản lượng sữa giả, kém chất lượng đang gia tăng tại Nga. Chủ tịch điều hành Liên minh các nhà sản xuất sữa quốc gia của Nga, ông Andrei Danilenko cho biết: "Trong khi phương Tây áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa, thì sản lượng phomai sản xuất tại Nga lại tăng mạnh, so với năm ngoái".
Riêng trong tháng 1/2015, thị trường phomai của Nga đã tăng 34%. Trong khi, các sản phẩm từ sữa và lượng sữa nhập khẩu, nguyên liệu chính làm phomai lại giảm tương ứng 3% và 34%.
Ông Danilenko nghi ngại: "Trong khi sản lượng nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm và sản xuất phomai chỉ có thể làm từ sữa tươi. Điều này có nghĩa rằng Nga đã tăng khối lượng sản xuất phomai giả".
Các nghiên cứu cho thấy chi phí sản xuất phomai từ dầu cọ rẻ hơn tới 30%, và điều này làm mờ mắt không ít nhà sản xuất. Đã đến lúc cần phải gióng lên hồi chuông báo động, nếu nhà chức trách Nga muốn bảo vệ người tiêu dùng cũng như tránh bóp nghẹt các nhà sản xuất trung thực.
Quế Anh