Trầu cau và cái chết âm thầm

Nụ cười dễ mến với đôi môi và hàm răng nhuộm màu đỏ sẫm do nhai trầu là hình ảnh phổ biến tại nhiều nước châu Á, nhưng điều không thể ngờ tới là món ăn này đang âm thầm dẫn đến cái chết của hàng nghìn người.

Được ưa chuộng và phổ biến

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 600 triệu người có thói quen ăn trầu, chiếm 1/10 dân số toàn cầu.

Loại quả nhỏ bé này được cho rằng khiến người ta có cảm giác phấn chấn như được thưởng thức 6 cốc cà phê. Anh Myo Min Than, một người bán mỳ 28 tuổi tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, chia sẻ: “Tôi rất thích cau. Giống như trà hoặc cà phê, trầu cau thường khiến người ăn có cảm giác khác lạ”.

Cùng với thuốc lá, rượu và cà phê, cau được tin là một trong những thực phẩm gây nghiện phổ biến nhất trên thế giới.


Mặc dù ở mỗi quốc gia có một biến thể nhưng điểm chung là cau được ăn tươi hoặc phơi khô, rồi phối hợp với vôi tôi, lá trầu không; được người sử dụng nhai sau đó bỏ bã. Ở Ấn Độ và Myanmar, trầu cau còn được ăn kèm với và những thứ làm tăng vị như quế, thuốc lá hoặc bạch đậu khấu.

Đài Loan (Trung Quốc) được biết đến là nơi tiêu thụ cau lớn nhất trên thế giới, loại quả này thậm chí còn được gọi là “kẹo cao su của Đài Loan”, điểm đặc biệt là người dân Đài Loan thường nhai cau tươi. Nam giới trung niên Đài Loan rất chuộng nhai trầu cau để giữ tỉnh táo khi lái xe đường dài hoặc làm việc trên các công trường xây dựng…

Cau đã được tiêu thụ từ nhiều thế kỷ trước và loại quả này cũng đóng vai trò biểu trưng đặc biệt trong nền văn hóa nhiều nước châu Á. Cau còn được coi là biểu tượng của tình yêu và hôn nhân cũng như liều thuốc tự nhiên chữa trị chứng khó tiêu, đau răng...



Ngoài ra, một điểm khác khiến trầu cau được ưa chuộng ở nhiều quốc gia châu Á là do giá thành tương đối rẻ. Tài xế taxi 37 tuổi người Myanmar U Sein thường nhai 10 miếng trầu/ngày kể rằng tại Myanmar, ba miếng chỉ có giá 100 Bermese kyat (khoảng 2.000 đồng).

Tuy nhiên theo hãng tin BBC, chính loại quả được ưa chuộng này đang dẫn đến cái chết sớm của hàng nghìn người.

Căn bệnh chết người

Tỉ lệ ung thư miệng cao ở những người có thói quen nhai trầu thường ở mức "gây choáng" là 80-90%. Và căn bệnh này thường xuất hiện sau hàng chục năm kể từ lần đầu tiên họ ăn trầu.

Giống như hầu hết những người khác, ông Qiu Zhen-huang (54 tuổi, người Đài Loan) cũng không thể lường trước được mối nguy hiểm bắt nguồn từ việc nhai trầu. Ông thường xuyên nhai trầu trong 10 năm và sau 20 năm từ bỏ nhai loại quả này, ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư miệng.

Ông Qiu hồi tưởng lại: “Tôi bắt đầu nhai trầu bởi mọi người ở chỗ làm của tôi đều ăn món này. Chúng tôi còn chia sẻ trầu cau với nhau để tạo dựng mối quan hệ đồng nghiệp tốt”.

Ba năm trước đây, một lỗ hổng xuất hiện trên má trái của ông và chỉ 3 tháng sau, khối u bắt đầu mở rộng thành kích thước của quả bóng golf và điều này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông.

Ông Qiu chia sẻ: “Mọi thức ăn đều rò ra ngoài và tôi phải lấy một miếng gạc để lấp nó lại. Điều đó thật đau đớn và ảnh hưởng rất nhiều tới tôi. Tôi đã quá xấu hổ và không dám bước ra ngoài đường”.

Điều may mắn là ông Qiu Zhen-huang đã kịp thời được điều trị và ông đang dần phục hồi sức khỏe, tuy nhiên nhiều người khác lại không được may mắn như vậy.

Dưới đây là phóng sự của kênh BBC về việc tiêu thụ trầu cau ở Đài Loan:







Ông Qiu Zhen-huang bên bức hình khuôn mặt bị tàn phá do khối u ung thư miệng.


Mỗi năm, có 5.400 nam giới Đài Loan mặc bệnh ung thư miệng hoặc có dấu hiệu tiền ung thư. Một ước tính cho thấy có đến 80-90 % trong số này tiêu thụ trầu cau.

Dấu hiệu ban đầu là những vết loét trắng hoặc đỏ bên trong miệng nhưng chúng có thể nhanh chóng chuyển thành các khối u “ăn thịt sống”. Không giống như những bệnh ung thư khác, ung thư miệng không thể che giấu được và để lại những tổn thương lớn cả về mặt thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Giáo sư Hahn Liang-jiunn, chuyên gia về ung thư miệng tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, lo âu cho biết căn bệnh này gây ra nhiều đau khổ cho người bệnh: “Ngay cả sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, người bệnh vẫn không thể thực hiện những hoạt động cơ bản như thể hiện cảm xúc qua gương mặt bởi cằm dưới của họ có thể bị buộc phải cắt bỏ”.

Thành phần nguy hiểm

Giáo sư Yingchin Ko tại Đại học y Trung Quốc tại Đài Loan, người đã tiến hành những nghiên cứu đầu tiên từ những năm 1990 về mối liên quan giữa nhai trầu và ung thư miệng, cho biết: “Ăn trầu một lần thì không quá nguy hiểm nhưng hiểm họa sẽ tăng dần khi bạn bắt đầu ăn lần thứ hai. Khi đến một thời điểm nhất định, mọi người sẽ có thể mắc bệnh ung thư”.

Răng và môi nhuộm đỏ là dấu hiệu dễ thấy ở những người thường xuyên nhai trầu.


Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhai trầu có thể dẫn tới nguy cơ ung thư miệng lớn, kể cả có nhai kèm với thuốc lá hay không. Chất gây ung thư được tìm thấy trong nước bọt của những người nhai trầu và giáo sư Ko phân tích rằng: “Lá trầu không phải là vấn đề, nó không gây ra ung thư nhưng vôi lại tác động góp phần để chất gây ung thư sản sinh”.

Như vậy điều mấu chốt dẫn đến việc mắc phải căn bệnh nguy hiểm chết người là vôi tôi ăn kèm với trầu cau.

Vôi là tác nhân nguy hiểm bởi nó gây ra hàng trăm vết xước hình thành trong vòm miệng. Những vết xước đó được coi là “cửa” vào cho nhiều chất hóa học gây ra ung thư.

Giáo sư Hahn Liang-jiunn tỏ ra lo ngại: “Khoảng một nửa nam giới Đài Loan không biết rằng trầu cau có thể gây ra ung thư miệng. Hiện Đài Loan là một trong 3 nước có tỷ lệ người mắc ung thư miệng lớn nhất trên thế giới”.

Mặc dù mối nguy hiểm từ việc nhai trầu đã được phát hiện nhưng để người dân từ bỏ thói quen không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là khi nhai trầu đôi khi khiển người sử dụng cảm thấy "nghiện".

Khi các nước đã ra lệnh cấm

Hiện chính phủ Đài Loan đang cố gắng tuyên truyền cho người dân về căn bệnh ung thư miệng một cách nhanh chóng bằng cách triển khai 1 triệu cuộc khám bệnh miễn phí và các chương trình gây quỹ để giúp người dân từ bỏ thói quen nhai trầu.

Năm 2013, những phương pháp này đã giúp cắt giảm tỉ lệ sử dụng trầu cau ở nam giới đến gần một nửa. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng các biện pháp ngăn chặn phải được thực hiện sớm hơn khi nguy cơ về ung thư bắt nguồn từ trầu cau đã được biết đến từ năm 2003.

Người dân Đài Loan chặt bỏ cây cau.


Ngoài ra, chính phủ Đài Loan đang cố gắng giảm nguồn cung cấp trầu cau nội địa bằng phương pháp đề xuất cây trồng thay thế cây cau cho nông dân. Những nước khác như Ấn Độ và Thái Lan đã phát động chiến dịch khuyến cáo người dân giảm nhai trầu.

Papua New Guinea gần đây còn đưa ra luật cấm bán và nhai hạt cau tại thủ đô Port Moresby nhưng là nhằm giảm thiếu bã trầu màu đỏ tràn ngập đường phố gây mất vệ sinh.

Tại Myanmar, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, một tổ chức phi chính phủ, đã bắt đầu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về trầu cau, tuy nhiên ý tưởng lại nhấn mạnh vào sự nguy hiểm từ dư lượng thuốc trừ sâu trên lá trầu. Tuy nhiên, giáo sư Yingchin Ko cho biết không hề có minh chứng khoa học chứng minh điều này.


Hà Linh (Theo CNN, BBC)
Ung thư miệng - những dấu hiệu cảnh báo

Ung thư miệng thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi nhưng có thể bị ở bất kỳ lứa tuổi nào. Ung thư miệng do dùng thuốc lá (bằng đường hút, nhai thuốc) và uống rượu gây nên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN