Tuy quân đội NATO đã chính thức rút quân ra khỏi Afghanistan vào cuối tháng 10/2014 song một khối lượng lớn bom chưa phát nổ vẫn bị chôn vùi tại đất nước này và đã sát hại rất nhiều dân thường, phần lớn trong số các nạn nhân là trẻ em.
Kể từ khi đóng quân tại Afghanistan vào năm 2001, lực lượng không quân NATO đã thả 20.000 tấn bom xuống Afghanistan. Theo tờ Guardian, khoảng 10% trong số bom mình đó khi chạm đất đã không phát nổ và bị chôn vùi trong lòng đất. Binh lính của liên minh cũng đã biệt lập các khu vực cách ly tại nhiều đáy sông cạn, thung lũng, đồng ruộng trong đó chứa nhiều bom chưa phát nổ.
Helmand là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi có 91 bãi mìn nằm rải rác trên 63,9 km2. Trung tâm phối hợp hoạt động phòng chống bom mìn của Liên hợp quốc (Macca) đã ghi nhận 369 ca tử vong, trong đó có đến 89 người Aghanistan bị thiệt mạng do bom mìn. Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đống tàn dư của lực lượng liên minh bỏ quên. Mùa thu năm ngoái, 4 anh chị em khi đang đi nhặt củi thì một quả bom phát nổ khi chúng nhặt từ dưới đất lên. 2 trong số 4 trẻ đã thiệt mạng và 2 người anh em còn lại cũng bị thương nặng. Khu vực đó trước kia được quân đội Mỹ sử dụng để huấn luyện binh lính, tuy nhiên sau khi rút quân, chúng không được khoanh vùng và cảnh báo cho người dân.
Theo báo cáo của Macca, 75% nạn nhân trong các vụ bom mìn chìm phát nổ (UXO) là trẻ em, nguyên nhân là do tại Afghanistan, trẻ em là đối tượng được giao làm những công việc cơ bản như chăn nuôi gia súc, lấy củi hay thu nhặt cắt bỏ phế liệu – những công việc thường phải tiếp cận với những khu vực chứa bom nguy hiểm.
Thêm vào đó, những trận giao tranh tại Afghanistan lại thường diễn ra tại khu vực có dân cư sinh sống. Giám đốc của Macca, ông Mohammad Sediq Rashid, cho biết NATO phải chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình. Ông cho rằng mục đích việc can thiệp quân sự của liên minh tại Afghanistan không thể nào xóa bỏ tội lỗi của NATO về những quả bom chưa phát nổ.
Mặc dù NATO đã hợp tác với một số cơ quan dò mìn, song vẫn có nhiều lời phàn nàn về việc lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu đã giấu kín các thông tin về nơi chứa bom chưa phát nổ. “Chúng tôi yêu cầu họ cung cấp vị trí các chiến trường mặt trận nhưng chỉ nhận được 300 địa chỉ, và con số đó vẫn chưa đủ”. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ tai nạn do UXO xảy ra trong năm 2013, chính quyền các nước phương Tây đã chú ý và bắt đầu phối hợp với nhau nhiều hơn để dò tìm bom mìn cũng như bảo vệ người dân Afghanistan tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc.
Hồng Hạnh (theo RT)