Cuộc sống hàng ngày của người dân Hy Lạp đã thay đổi nhiều sau một năm rưỡi nước này rơi vào khủng hoảng nợ. Theo các cuộc khảo sát, trung bình cứ 6/10 hộ gia đình ở Hy Lạp chịu tác động từ cuộc khủng hoảng và các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Đối mặt với tình trạng cắt giảm lương hưu tới 30%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 16,2% trong tháng 3/2011 (mức cao kỷ lục trong vòng một thập kỷ) và thuế tăng cao cộng với nền kinh tế suy thoái, phần lớn những gia đình có thu nhập thấp và trung bình gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Người dân Hy Lạp vẫn hy vọng đất nước sẽ sớm thoát khỏi khủng hoảng. |
Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn nhưng người dân Hy Lạp vẫn hy vọng đất nước cuối cùng sẽ vượt qua giai đoạn tồi tệ này.
Anh Christos Vasios, kế toán trẻ làm việc tại một cửa hàng xổ số ở thủ đô Aten, tâm sự: “Tôi vẫn rất lạc quan. Tôi tin rằng trong vài năm tới, đất nước Hy Lạp sẽ thoát khỏi khủng hoảng. Hy Lạp là một quốc gia giàu có nhưng chúng tôi vẫn chưa tận dụng hết những lợi thế địa chính trị của đất nước mình”. Năm qua, Vasios đã phải cắt giảm một nửa số tiền chi tiêu cho quần áo và các hoạt động vui chơi giải trí. Giờ đây, anh hiếm khi tụ tập ăn uống với bạn bè, dùng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn và phải cân nhắc mỗi khi lái xe ô tô đi đâu đó vì giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi so với năm 2009. “Nhiều người làm nghề kinh doanh không chịu nổi áp lực từ tình trạng thuế tăng cao. Khoảng gần một nửa các cửa hiệu ở Aten đã phải đóng cửa trong năm nay. Cửa hàng xổ số của chúng tôi đang tìm cách để tồn tại như giảm chi phí thuê mặt bằng hàng tháng”, Vasios cho biết thêm.
Bà Chrissoula Toumbeki, 64 tuổi, đã nghỉ hưu, sống cùng khu phố với Vassios, cũng đang phải chịu các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Bà cho biết: “Từ dịp Nôen và Lễ Phục sinh, khoản lương hưu hàng tháng 500 euro của vợ chồng tôi đã bị cắt giảm và chúng tôi đang cố xoay sở với đồng lương hưu hạn hẹp này. Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi nhiều. Do nguồn thu nhập giảm, giờ tôi phải tìm mua các mặt hàng giảm giá ngoài chợ trời thay vì mua đồ trong siêu thị”. Mặc dù lo ngại việc Hy Lạp có thể bị chìm trong khủng hoảng nhiều năm tới khiến cuộc sống của thế hệ con cháu bị ảnh hưởng nhưng bà Toumbeki thổ lộ: “Chúng tôi luôn hy vọng vào kết cục tốt nhất và niềm hy vọng này chưa bao giờ tắt”.
Về phần mình, khi được hỏi về triển vọng kinh tế và đời sống người dân Hy Lạp, cô Niki Papantoniou, (nhân viên ngân hàng) tin rằng Hy Lạp sẽ sớm thoát khỏi “đường hầm tăm tối”. Dựa trên những hiểu biết của mình về ngành ngân hàng, cô Papantoniou cho rằng hệ thống ngân hàng Hy Lạp vẫn có thể đứng vững trước áp lực của cuộc khủng hoảng. “Người dân vẫn có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nhờ nguồn tiền tiết kiệm. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ khủng hoảng là các doanh nghiệp phải vay nợ để kinh doanh”, Papantoniou khẳng định, “tôi tin rằng trong thời gian tới, mọi thứ đều có thể được giải quyết vì lợi ích của Hy Lạp nói riêng và của cả nền kinh tế châu Âu nói chung”.
Quang Tuyến (Theo THX)