Trong năm 2014, lượng khí thải gây ô nhiễm bầu khí quyển trên thế giới đã phá mọi kỷ lục trước đây, trong đó Trung Quốc “đóng góp” một phần quan trọng khi phát tán vào khí quyển lượng khí carbon nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu gộp lại. Trung Quốc đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng. |
Dự báo trong năm 2014, lượng khí carbon do Trung Quốc thải vào bầu khí quyển sẽ tăng 4,5% so với năm ngoái, đạt 10,4 tỷ tấn. Lượng phát thải khí carbon của Mỹ là hơn 5,2 tỷ tấn và của EU là 3,4 tỷ tấn. Đến năm 2019, dự báo nhân loại sẽ phát tán vào bầu khí quyển khoảng 43,2 tỷ tấn khí carbon độc hại, trong đó Trung Quốc chiếm gần 13 tỷ tấn.
Theo nhận định của chuyên viên khoa học cấp cao của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexandr Larin, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc chỉ chú trọng đến vấn đề tăng trưởng kinh tế thần tốc mà chưa quan tâm thỏa đáng đến việc bảo vệ môi trường.
Thực tế tại Trung Quốc cho thấy triển vọng thăng quan tiến chức của các quan chức phụ thuộc lớn vào các chỉ số tăng trưởng ngành mà họ phụ trách. Vì vậy, lãnh đạo các ngành sản xuất chạy đua nhau để đạt chỉ số tăng trưởng cao, bất chấp bầu không khí, nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm. Hậu quả là nơi nào càng tăng trưởng cao thì càng bị ô nhiễm nặng nề. Thậm chí ở một số cụm công nghiệp trọng điểm, vấn đề môi trường đã đạt đến mức báo động khiến công nhân phải đình công.
Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng phần nào nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và có một số biện pháp tháo gỡ. Trung Quốc đã thông qua chương trình mục tiêu quốc gia cải thiện môi trường, song đây là công việc lâu dài và tốn kém. Để tiến hành sản xuất sạch đối với môi trường thì riêng chi phí cho xử lý chất thải công nghiệp đã ngang bằng chi phí xây dựng nhà máy. Vì vậy cộng đồng quốc tế nói chung và các nước láng giềng của Trung Quốc nói riêng đành chấp nhận sống chung với các cột khói phát ra từ "đại công xưởng thế giới".
Nước Nga, với vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc, cũng không tránh khỏi những hệ lụy này. Vùng Khabarov của Nga đã phải sống trong tình trạng nguồn nước và bầu không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Không khí bị ô nhiễm vì khí thải công nghiệp từ Trung Quốc, còn nước ô nhiễm vì nông dân Trung Quốc sử dụng quá mức hóa chất trong sản xuất nông nghiệp trên các diện tích đất giáp biên thuê của Nga.
Ông Larin cho biết, nguồn cơn của mọi vấn đề ô nhiễm hiện nay nằm ở bước tính sai lầm trong quy hoạch sản xuất điện năng ở Trung Quốc. Trong những năm đại đột phá kinh tế, Trung Quốc có nhu cầu sử dụng điện rất cao và để nhanh chóng có đủ điện họ đã tập trung phát điện bằng than đá, nguồn phát thải carbon lớn nhất so với các loại hình nhiên liệu khác. Về sau này, Trung Quốc đã có bước cải thiện bằng cách chuyển sang phát điện bằng khí đốt và đã ký với Nga hợp đồng cung cấp lâu dài tới 30 năm.
Theo tính toán của các nhà quy hoạch Trung Quốc, đến năm 2020, nước này phải giảm tỷ lệ sử dụng than trong các ngành công nghiệp xuống còn dưới 62% và các chất đốt hữu cơ xuống còn 15%. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn dự định ứng dụng các phép tính thương mại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bằng cách thành lập một thị trường phân bổ hạn ngạch phát thải trong nước, nơi các công ty được cấp phép phát thải có thể buôn bán hạn ngạch được cấp.
TTK