Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc, trong đó có “cha đẻ của lúa lai” Yuan Longping, đã thử nghiệm trồng lúa trên nước mặn ở quê nhà và sau đó đem công nghệ này tới Trung Đông.
Sa mạc tại Dubai có khả năng được biến thành đồng lúa trong thời gian tới. Ảnh: Third Eye Traveller |
Hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc trong tháng 1 đã trồng lúa ở sa mạc thuộc ngoại ô Dubai và sử dụng nước biển loãng để tưới tiêu. Đến thời điểm thu hoạch vào tháng 5, thành phẩm thu được đã vượt qua cả mong đợi của các nhà khoa học.
Theo đó, mỗi ha đất trồng thu về 7,5 tấn thóc. Các nhà khoa học dự kiến tạo một nông trại rộng 100 ha vào cuối năm 2018 cho các thử nghiệm bổ sung.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho hay mục tiêu của dự án là biến 10% diện tích UAE thành các đồng lúa. Dự án này là cái bắt tay giữa Trung tâm nghiên cứu lúa trồng trên nước mặn tại Trung Quốc và Văn phòng tư nhân của tỉ phú Dubai Saeed Bin Ahmed Al Maktoum.
Hai phía cũng ký kết thỏa thuận quảng bá gạo trồng bằng nước mặn tại khu vực Arab với mục tiêu giảm nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai.
Trong 4 thập niên gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã bỏ công sức phát triển loại lúa có thể chịu được nước mặn.
Trong khi đó, trước tình trạng thiếu nước ngọt, các nhà khoa học tại Israel và Australia đã phát triển công nghệ khử mặn để có thể tận dụng nước biển cho hoạt động nông nghiệp.