Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, ngoài thẻ tín dụng, điện thoại thông minh đang thúc đẩy xu hướng sống không cần tiền mặt trong nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Nhìn vào cuộc sống hàng ngày của nhiều thanh niên Hàn Quốc, ai cũng có thể nhận ra được những lợi ích mà phương thức thanh toán “không tiền mặt” mang lại.
Anh Park Kyung-Jun, 35 tuổi, bắt đầu ngày mới bằng chuyến xe buýt đến văn phòng làm việc ở Bundang, phía Nam Seoul.
“Thông thường tôi không mang theo bất kỳ khoản tiền mặt nào, tôi cũng không thể nhớ lần cuối cùng tôi rút tiền mặt từ ngân hàng vào khi nào”, nhân viên văn phòng Park cho biết. Anh đã sử dụng ứng dụng trên di động để thanh toán các khoản chi tiêu hàng ngày bao gồm bữa trưa, cà phê và bữa tối.
“Tôi không mang theo tiền mặt và thẻ tín dụng bởi hầu hết các cửa hàng đều chấp nhận thanh toán qua ứng dụng di động”, anh Park giải thích.
Một cuộc khảo sát gần đây do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) thực hiện cho thấy trong những năm qua, hầu hết người dân vẫn mang theo một số tiền mặt để đề phòng trong những trường hợp cửa hàng không nhận giao dịch bằng thẻ, nhưng số tiền họ mang theo là không nhiều.
Năm 2018, người Hàn Quốc chỉ mang theo số tiền mặt trung bình 78.000 won (1,5 triệu đồng), giảm 33% so với mức 116.000 won (2,3 triệu đồng) ba năm trước đó. Năm 2015, tiền mặt chỉ chiếm 32,1% tổng chi tiêu của một gia đình. Trong khi đó, tỷ lệ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ đạt mức 52% vào năm 2018, tăng 37,4% so với ba năm trước.
Một trong những lý do khiến ngày càng nhiều người lựa chọn không sử dụng tiền mặt là bởi sự bất tiện. “Sự khác biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt và thẻ tín dụng là khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, tôi không phải mang theo một xấp tiền và sau đó được trả lại chỗ tiền lẻ mang về nhà”, Kim Mi-ra - một bà nội trợ 42 tuổi – chia sẻ.
Đây là lý do tại sao nhiều người Hàn Quốc tin rằng một xã hội “không tiền mặt” có thể sớm trở thành hiện thực.
“Phấn đấu hướng đến một xã hội không tiền mặt vẫn còn là một chặng đường dài, nhưng có thể dễ dàng đạt được điều này khi người dân áp dụng công nghệ tiên tiến, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng và dịch vụ Internet Banking ngày càng cao”, một quan chức BOK cho biết.
Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương đã bắt đầu thực hiện các nghiên cứu từ nhiều năm trước về phương thức loại bỏ tiền khỏi thị trường. Một trong những biện pháp đang được xem xét là chuyển tờ 1.000 won, tờ tiền nhỏ nhất ở Hàn Quốc, vào tài khoản ngân hàng của người dân.
Bỏ tiền xu hay hoàn toàn tiền mặt được đánh giá là mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Trong bối cảnh việc sử dụng tiền mặt liên tục giảm, số tiền chi cho việc in tiền giấy và đúc tiền xu mới lên tới 110 tỷ won hồi năm ngoái, giảm 17% so với năm trước và 28% so với năm trước nữa.
Đi đầu trong xu hướng xã hội “không tiền mặt” tại Hàn Quốc là doanh nghiệp Starbucks. Gần đây, công ty này đã mở rộng số lượng cửa hàng lên đến 759 cơ sở, chiếm 60% trong số 1.280 cửa hàng không nhận tiền mặt tại quốc gia Đống Á. Động thái này là một phần nỗ lực đổi mới trong thời đại kỹ thuật số do số lượng thanh toán tiền mặt giảm tại nhiều cửa hàng địa phương.
Xã hội “không tiền mặt” còn nhiều thách thức
Còn nhiều nghi ngờ về tính khả thi của việc loại bỏ hoàn toàn tiền mặt và những lo ngại về vấn đề bảo mật. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của các giao dịch qua ứng dụng và thẻ, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán đáng tin cậy nhất ở Hàn Quốc, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi.
Một khảo sát về sự hài lòng do BOK thực hiện năm 2017 cho thấy nhiều người tin tiền mặt là phương tiện thanh toán đáng tin cậy nhất, theo sau đó là thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Năm 2017, trung bình mỗi tháng, những người trong độ tuổi 60-70 thực hiện 15 lần thanh toán bằng tiền mặt trong khi dưới 10 lần thanh toán bằng thẻ.
“Hệ thống không tiền mặt có thể trở thành một công cụ để thực thi chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả. Tuy nhiên, người cao tuổi đã quen với việc trả bằng tiền mặt, vì vậy chính phủ cần xem xét chuyển đổi dần dần và thiết lập dự luật pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư của mọi người”, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) kết luận.