“Xanh hóa” ở thành phố “Nhà chọc trời”

Các nhà quản lý bất động sản ở quê hương nhà chọc trời Chicago, Mỹ đang nỗ lực “xanh hóa” với việc cho lắp các thiết bị thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng nhằm góp phần giảm bớt lượng khí nhà kính ở thành phố lớn thứ ba nước Mỹ này. Dự án được trông đợi sẽ tạo động lực thay đổi trên khắp xứ Cờ Hoa.

Chicago đang nỗ lực xanh hóa.

 

Tại khách sạn Sheraton trông ra sông, kỹ sư trưởng Ryan Egan rất mãn nguyện với hệ thống điều nhiệt mới lắp đặt có thể giúp tiết kiệm cho khách sạn 136.000 USD/năm.


Trước hết, hệ thống này được nối với hệ thống quản lý đặt phòng, có nghĩa là ông có thể để nhiệt độ phòng “trôi” ngoài mức thoải mái tiêu chuẩn cho đến khi có một khách vào phòng. Do hệ thống này được gắn cảm biến hồng ngoại nên mỗi khi khách rời phòng, bộ phận làm mát hay sưởi ấm lại rơi vào chế độ “không hoạt động” cho đến khi lại có khách bước vào phòng. Đây không phải là sự dừng hoạt động ngẫu nhiên - hệ thống điều nhiệt được lập trình chỉ cho phép nhiệt độ phòng tăng lên hay hạ xuống ở mức nó có thể trở lại nhiệt độ đặt trước trong vòng 12 phút kể từ khi khách trở lại.


Khách sạn Sheraton là một trong 14 tòa nhà thương mại ký vào Thách thức “Retrofit Chicago”, trong đó đặt mục tiêu cắt giảm 20% năng lượng sử dụng trong vòng 5 năm tới và do vậy tiết kiệm được hơn 5 triệu USD/năm. Thành công của dự án này ngang với việc bớt đi được 8.000 xe hơi chạy trên đường. Ông Karen Weigert, phụ trách phát triển bền vững của Chicago cho biết: “Là quê hương của những tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới, chúng tôi rất phấn khích với những gì đang thực hiện để xanh hóa bầu trời”.


Khoảng 70% lượng khí thải nhà kính mà “Thành phố Gió” Chicago thải ra là từ điện và khí dùng để sưởi ấm, làm mát hay thắp sáng các tòa nhà, doanh nghiệp, trường học và các tòa nhà chính phủ. Bên cạnh việc làm “xanh hóa” các tòa nhà thương mại, thành phố cũng có kế hoạch cắt giảm 20% nhiên liệu tiêu thụ tại hàng trăm tòa nhà trong thành phố, với khoản tiền tiết kiệm được thông qua cắt giảm này lên tới 20 triệu USD/năm và lượng khí thải cắt giảm được tương đương việc bớt đi 30.000 xe chạy trên đường phố.


Chính quyền thành phố cũng phát động một chương trình nhằm giúp trang bị lại cho các khu chung cư và hy vọng sẽ có thêm các tòa nhà cao tầng hưởng ứng thách thức này. Một chương trình tương tự cũng đang được Bộ Năng lượng thúc đẩy, trong đó kêu gọi các trường học, thành phố và doanh nghiệp giảm 20% lượng năng lượng sử dụng.


AT&T - công ty đầu tiên ký thách thức tại Chicago - đang thử nghiệm các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới tại tòa tháp văn phòng chính của họ ở trung tâm thành phố. Các bóng đèn trần đã được thay bằng các loại bóng tiết kiệm năng lượng có gắn cảm biến cử động, nhờ đó các bóng đèn sẽ tự động tắt ngay khi các kỹ thuật viên và nhân viên bán hàng rời khỏi bàn làm việc của họ. Các cửa chớp cách điện được lắp đặt ở hệ thống hút khí cũng giúp chặn cái lạnh trong mùa đông và đẩy lùi cái nóng vào mùa hè, trong khi hệ thống thoát khí xung quanh tòa nhà được cải tiến để chỉ hoạt động khi cần thiết.


Ông John Schinter, giám đốc phụ trách năng lượng của AT&T cho biết: “Chúng tôi đã vận dụng mọi cơ hội để giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”. Theo ông, tất cả những thử nghiệm đang được thực hiện tại Chicago sẽ cho biết kết quả trong vòng 3 năm tới, và dĩ nhiên dự án nào không mang lại hiệu quả cao như mong muốn sẽ không được đầu tư.


Những sáng kiến trên đã trở nên phổ biến ở những nước như Tây Ban Nha và Nhật Bản, nơi chi phí năng lượng đắt đỏ hơn nhiều buộc các chính phủ phải có những hành động mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng luật năng lượng hiệu quả. Và hiện người Mỹ đang sẵn sàng chấp nhận thay đổi theo những sáng kiến này. Theo lời ông Dan Tishman, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ tài nguyên quốc gia, đồng thời là chủ công ty bất động sản sở hữu khách sạn Sheraton Chicago và 9 khách sạn lớn khác ở Mỹ, “người tiêu dùng Mỹ cảm thấy thoải mái với các bộ phận cảm biến chuyển động gắn trên đèn chiếu sáng và các công nghệ khác tiết kiệm năng lượng, như các toilet có chế độ xả nước chậm hay mái nhà xanh và họ đánh giá cao điều này”. “Hy vọng chúng tôi sẽ thành công và các khách sạn lớn khác sẽ theo bước chúng tôi” - ông Tishman tâm sự.


Ngân An (theo AFP)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN