Theo báo cáo của Bộ Nông Lâm Thực phẩm và Tổng cục Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 19/3, trong năm 2014, số lượng các hộ gia đình rời thành thị về nông thôn sinh sống (thường được gọi là “Xu hướng quy Nông, quy Thôn”) đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay với 44.586 hộ, tăng 37,5% so với con số 32.424 hộ trong năm 2013.
Báo cáo trên cũng cho thấy “Xu hướng quy Nông, quy Thôn” đã tăng đột biến trong vài năm trở lại đây. Vào năm 2001, số hộ gia đình rời thành thị về nông thôn sinh sống mới chỉ là 880 hộ, đến năm 2010 con số trên cũng mới chỉ là 4.067 hộ. Tuy nhiên chỉ 5 năm sau, tức là vào năm 2014, số lượng trên đã tăng lên hơn 11 lần với trên 44.000 hộ.
Thậm chí, nếu tính theo tổng số nhân khẩu của các hộ gia đình trên thì số người rời thành thị về nông thôn sinh sống trong năm 2014 là 61.991 người, tăng tới 55,5% so với năm 2013.
Các địa phương có số hộ trở về nông thôn cao nhất gồm tỉnh Gyeonggi 10.149 hộ, Chungbuk 4.2 hộ, tỉnh đảo Jeju 3.569 hộ. |
Số lượng các hộ gia đình rời về vùng nông thôn cũng khác nhau theo độ tuổi trung bình của các chủ hộ, thế hệ trong độ tuổi 30 chiếm 19,6%, độ tuổi 40 chiếm 22%, độ tuổi 50 chiếm 29,6%, độ tuổi 60 chiếm 19,1% và độ tuổi trên 70 tuổi chiếm 9,7%. Như vậy, trong năm 2014, thế hệ trong độ tuổi 40, 50 chiếm hơn một nửa, đạt 51,6%. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì số chủ hộ tầm 40, 60, 70 tuổi giảm trong khi số chủ hộ trên dưới 30 tuổi và thế hệ 50 tuổi tăng lên.
Nếu tính theo số lượng nhân khẩu trong các hộ gia đình thì số hộ có từ 1 đến 2 nhân khẩu chiếm tới 76,5%.
Những địa phương có tỷ lệ rời bỏ thành thị cao nhất là Gyeonggi (27,6%), Seoul (23,7%), Incheon (5,4%) cho thấy khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận có số hộ tham gia vào xu hướng trên cao nhất với 56,6%.
Trong số các hộ gia đình về nông thôn sinh sống, số hộ về để làm nông nghiệp là 11.144 hộ với 18.846 nhân khẩu, tăng 2% so với năm 2013.
Có nhiều lý do để các hộ gia đình rời về nông thôn sinh sống, trong số đó chủ yếu là các lý do như đã nghỉ hưu (53,6%), sức khỏe (51,8%), thích cuộc sống nông thôn (22,4%), do cuộc sống tại thành phố ngày càng trở nên khó khăn hơn (15,2%), muốn sống gần họ hàng người thân (14%), muốn sống có ý nghĩa hơn (12,6%), tiết kiệm chi tiêu (11,8%)…
Một quan chức của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc cho rằng “Xu hướng quy Nông, quy Thôn” dường như đang tiếp tục tăng lên khi những người muốn trở về với cuộc sống sinh hoạt ở nông thôn, chẳng hạn những người sinh ra trong “thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh – Baby Boom” giai đoạn 1946-1964 về nghỉ hưu, sẽ ngày gia tăng trong thời gian tới.
Phạm Duy (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)