Giảm thất nghiệp
Để giảm số lượng thanh niên thất nghiệp, Chính phủ Zimbabwe đã đồng ý thông qua chính sách cung cấp lao động trí thức và thợ lành nghề tới một số nước châu Phi. Ông Godfrey Gandawa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục sau đào tạo - khoa học kỹ thuật, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai chính sách mới giúp những cử nhân giỏi có việc làm, không những tránh lãng phí nguồn nhân lực nước nhà mà còn thu về một số nguồn lợi”.
Các bác sĩ Cuba tới một trung tâm y tế tại vùng hẻo lánh ở Brazil. |
Người dân Zimbabwe rất khó kiếm được công việc đủ nuôi sống bản thân và gia đình khi mà tỷ lệ thất nghiệp có lúc lên tới 85%. Hơn 4.610 công ty đã phá sản và đóng cửa tại quốc gia này trong vòng giai đoạn 2011 - 2014, khiến cho 55.000 người thất nghiệp.
Trong bối cảnh đó, thay vì dốc sức tạo công ăn việc làm cho người dân, Chính phủ Zimbabwe lại trở thành trung tâm giới thiệu việc làm cho những công ty ở nước ngoài. Chính phủ đã kêu gọi tất cả những ai tốt nghiệp đại học từ năm 1980 trở lại đây đăng kí tham gia vào chính sách mới. Sau đó, danh sách này được gửi tới một số nước kí hợp đồng tiếp nhận lao động với Zimbabwe như Nam Sudan, Botswana và Angola. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ mang lại một khoản lợi nhuận lớn về cho quốc gia siêu lạm phát này. Chính quyền của Tổng thống Robert Mugabe đang xem xét ý kiến của những người đi xuất khẩu lao động về việc phải đóng góp 25% lương vào quỹ ngân sách nhà nước thay vì gửi hết về cho gia đình.
Chính sách trên bị một số người cho là một dạng chảy máu chất xám. Tuy nhiên, Tổng thống Robert Mugabe nhấn mạnh chính sách xuất đơn giản chỉ là “luân chuyển chất xám” giữa các nước trong khu vực. Mặc dù có điểm chung là nhân lực có kỹ năng ra khỏi đất nước nhưng điểm khác của “luân chuyển chất xám” là nhân lực trình độ cao di chuyển thường xuyên giữa các quốc gia để làm việc và sẽ trở về nước sau một thời gian định cư ở nước ngoài.
Nguồn thu chính
Trong khi xuất khẩu chất xám giúp giảm thất nghiệp cho Zimbabwe thì với Cuba, xuất khẩu chất xám là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính. Trong những năm gần đây, Cuba liên tục xuất khẩu đội ngũ bác sĩ chất lượng cao và mỗi năm thu về 8 tỷ USD. Số ngoại tệ này gấp hai lần doanh thu xuất khẩu (4 tỷ USD/năm) và gấp gần 4 lần doanh thu ngành du lịch (2,5 tỷ USD/năm).
Điển hình trong năm 2013, Cuba đã ký một thỏa thuận với Bộ Y tế Brazil về việc điều 4.000 bác sĩ tới các vùng sâu vùng xa. Tổng giá trị thỏa thuận lên tới 270 triệu USD/năm. Hàng tháng, Brazil trả cho mỗi bác sĩ Cuba 4.200 USD, trong đó mỗi bác sĩ nhận khoảng 1.600 USD, còn lại nộp cho nhà nước. Bên cạnh đó, Brazil còn góp vốn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cuba và cho Cuba vay 176 triệu USD để xây sân bay.
Cuba còn xuất khẩu đội ngũ y, bác sĩ để đổi lấy hàng hóa. Hiện đối tác lớn nhất của Cuba trong lĩnh vực này là Venezuela. Năm 2015, Cuba đã nhất trí gửi 10.000 y bác sĩ tới Venezuela làm việc và Venezuela chuyển cho Cuba 90.000 thùng dầu mỗi ngày.
Ngoài ra, xuất khẩu bác sĩ còn là một công cụ ngoại giao đắc lực của Cuba. Ngay sau khi Cách mạng thành công, Cuba đã cử các bác sĩ tới Algeria và Chile sau các thảm họa động đất nhằm thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống của mình. Trong đợt bùng phát dịch Ebola ở châu Phi mới đây, các bác sĩ Cuba cũng tiên phong có mặt tại tâm dịch. Theo thống kê của tờ New York Times, Cuba đã cử ít nhất 185.000 nhân viên chăm sóc y tế tới hơn 100 nước trên thế giới.