Theo trang The Guardian (Anh), xác 11 con voi được tìm thấy hôm 28/8 trong rừng Pandamasue, nằm giữa Công viên Quốc gia Hwange và thác Victoria. Theo nhận định ban đầu, giới chức quản lý vườn quốc gia loại trừ khả năng voi bị săn trộm và ngộ độc xyanua.
Ông Tinashe Farawo, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia và Động vật hoang dã Zimbabwe, cho biết họ đã lấy mẫu máu và đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm xác định nguyên nhân cái chết của những con voi này.
Những con voi này vẫn còn ngà trên cơ thể nên các nhà điều tra cho rằng có thể loại trừ khả năng voi bị săn trộm. Trong những năm gần đây, những kẻ săn trộm ở Zimbabwe đã đầu độc hàng chục con voi và lấy ngà để bán.
“Chúng tôi chỉ có thể xác định chắc chắn nguyên nhân cái chết sau các cuộc kiểm tra. Nhưng chúng tôi đã loại trừ ngộ độc xyanua. Tại hiện trường, các điều tra viên chỉ tìm thấy xác của 11 con voi. Kền kền và các loài động vật khác không bị ảnh hưởng”, ông Farawo nói.
Vào tháng trước, ít nhất 275 con voi ở nước láng giềng Botswana cũng chết không rõ nguyên nhân. Các nhân chứng địa phương cho biết một số con voi đã xuất hiện các triệu chứng lạ, như đi theo vòng tròn. Đây là một dấu hiệu của bệnh suy yếu hệ thần kinh.
“Nếu nhìn kỹ thi thể voi, một số con đã ngã chúi xuống đất, điều đó cho thấy chúng chết rất nhanh. Một số con khác rõ ràng chết chậm hơn, giống như những con đi lờ đờ theo vòng tròn. Vì vậy, rất khó để đoán loại độc tố này là gì”, Tiến sĩ Niall McCann, Giám đốc Quỹ bảo tồn Tổ chức Cứu hộ Công viên Quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Tình trạng voi chết bí ẩn tại Zimbabwe cũng tương tự như voi tại Botswana mà các nhà khoa học vẫn đang điều tra. Họ đã loại trừ khả năng voi bị săn trộm, đầu độc và nhiễm bệnh than.
Botswana là quốc gia có số lượng voi lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 156.000 cá thể voi. Đứng thứ hai là Zimbabwe với khoảng 85.000 con voi. Năm ngoái, khoảng 200 con voi ở Zimbabwe cũng đã chết đói do hạn hán.