Nhiều hộ dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk lao đao vì chiêu trò 'vay hộ' ngân hàng 

Với nhiều “chiêu trò” khác nhau, bà H’ Beo Ayũn (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã huy động tài sản của nhiều hộ dân để đi “vay hộ” ngân hàng với số tiền lớn nhưng chỉ giao lại cho chủ tài sản một khoản tiền nhỏ.

Chú thích ảnh
Người dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk phản ánh vụ việc với phóng viên. 

Theo phản ánh của nhiều hộ dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, hơn 10 năm qua, với nhiều “chiêu trò” khác nhau, bà H’ Beo Ayũn, trú tại buôn Hra B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar đã huy động tài sản của nhiều hộ dân để đi “vay hộ” ngân hàng với số tiền lớn nhưng chỉ giao lại cho chủ tài sản một khoản tiền nhỏ. Đến nay, nhiều hộ dân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” và phải gánh những khoản nợ ngoài khả năng chi trả.

Gần 10 năm nay, gia đình ông Y Prơt Niê, trú tại buôn Hra A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar phải căng mình trả khoản nợ “trên trời rơi xuống” vì dính phải chiêu “vay hộ” ngân hàng của bà H’ Beo Ayũn. 

Ông Y Prơt Niê cho biết: Ngày 9/6/2010, bà H Beo Ayũn (thời điểm đó là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đến nhà ông để hỏi về nhu cầu vay vốn ngân hàng với lời hứa hẹn sẽ đứng ra lo thủ tục vay vốn và gia đình chỉ phải trả tiền lãi hàng tháng. Do có nhu cầu vay vốn làm ăn nên ông Y Prơt Niê đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà H Beo Ayũn làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Đắk Lắk.

Ông Y Prơt Niê chỉ nhờ làm thủ tục vay vốn 50 triệu đồng nhưng khi đến ngân hàng nhận tiền, hợp đồng vay vốn lên đến 200 triệu đồng. Sau khi nhận 200 triệu đồng từ ngân hàng, bà H Beo Ayũn đã viết giấy vay 150 triệu đồng của ông Y Prơt Niê. Một thời gian sau, với lý do cần tiền lo cho cán bộ ngân hàng, bà H Beo Ayũn tiếp tục vay từ ông Y Prơt Niê thêm 25 triệu đồng. Tổng số tiền bà H Beo Ayũn vay của ông Y Prơt Niê là 175 triệu đồng, đến nay dù ông Y Prơt Niê đã nhiều lần yêu cầu bà H Beo Ayũn trả số tiền trên nhưng đều bất thành.

Điều đáng nói, từ khi vay số tiền 200 triệu đồng của ngân hàng, gia đình ông Y Prơt Niê phải căng mình trả cả tiền gốc lẫn lãi. Do không đủ khả năng trả tiền cho ngân hàng khi đã quá hạn cho vay, ông Y Prơt Niê phải vay nóng lãi suất cao từ nhiều nơi và bán đi 2 ha rẫy cao su để có tiền trả ngân hàng.

Ông Y Prơt Niê bức xúc cho biết: Do kinh tế gia đình khó khăn phải vay tiền của ngân hàng nhưng gia đình lại không nhận được toàn bộ tiền vay từ ngân hàng mà còn phải bán tài sản để trả nợ ngân hàng. Tháng 4/2019, khi đến nhà bà H Beo Ayũn để đòi trả lại tiền, ông còn bị chồng bà H Beo Ayũn đánh phải nằm viện điều trị 3 ngày.

“Lãi và gốc trên 200 triệu là số tiền ngoài khả năng chi trả của gia đình, do đó tôi phải chạy vạy khắp nơi từ vay tiền nóng đến bán 2 ha rẫy cao su để trả nợ. Không chịu được sự bất công này, gia đình tôi đã kiện bà H Beo Ayũn ra tòa. Tuy nhiên, nhiều lần tòa triệu tập bà H Beo Ayũn đều không có mặt để giải quyết vụ việc nhưng sau đó lại làm đơn kháng án” - ông Y Prơt Niê bức xúc nói.

Trên địa bàn xã Ea Tul, không chỉ riêng gia đình ông dính chiêu “vay hộ” ngân hàng mà rất nhiều hộ dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự đang phải “còng lưng” trả nợ. Đáng nói, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế hiểu biết pháp luật, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, có những người phải bán hết đất đai, nhà cửa để có tiền trả nợ. 

Theo phản ánh của người dân, không chỉ dùng chiêu “vay hộ” ngân hàng, bà H Beo Ayũn còn dùng lời lẽ “ngon ngọt” để vay tiền trực tiếp của nhiều người dân, qua nhiều năm vẫn không chịu trả.

Ông Y Thăn Hwing, buôn Brah, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cho biết: Ngày 25/6/2013, bà H Beo Ayũn có vay của gia đình ông số tiền 150 triệu đồng và cam kết trong giấy vay tiền đến hạn ngày 15/7/2013 sẽ trả toàn bộ số tiền vay. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 năm trôi qua, dù nhiều lần đến đòi tiền nhưng bà H Beo Ayũn nhất quyết không trả. Riêng tại xã Ea Tul có hàng chục hộ dân rơi vào tình cảnh tương tự, nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc làm rõ vụ việc thì người dân không thể yên tâm sinh sống. 

Bức xúc trước việc làm của bà H Beo Ayũn, với hy vọng chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc, ngày 10/4, hơn 10 hộ dân cùng đứng đơn tố cáo cùng với ông Y Prơt Niê gửi lên Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar về hành vi của bà H Beo Ayũn.

Trong khi chờ phản hồi từ UBND huyện Cư M’gar, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã liên lạc với ông Trần Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar. Ông Đạt cho biết: Từ nhiều kênh khác nhau, chính quyền địa phương đã nắm được thông tin về vụ việc. Qua xác minh, được biết một số người dân đã kiện ra tòa để xử lý. Tuy nhiên, chính quyền xã không nhận được đơn phản ánh của người dân nên rất khó để xử lý vụ việc theo trình tự pháp luật. Hơn nữa, việc vay mượn là người dân tự thỏa thuận với nhau, do đó chính quyền địa phương rất khó nắm bắt để giải quyết.

Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Chiêu trò thu hút học lái xe nhằm trục lợi
Chiêu trò thu hút học lái xe nhằm trục lợi

Học phí đào tạo lái xe sẽ tăng cao từ 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng là thông tin được lan truyền trên mạng xã hội sau khi Thông tư của Bộ Giao thông vận tải được ban hành. Lợi dụng việc người dân đổ xô đi đăng ký học, nhiều cơ sở đào tạo "chui" đã lôi kéo người học nhằm trục lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN