Do vậy, có nhiều phản ánh rằng chất lượng đường truyền Internet không ổn định, tín hiệu mạng chập chờn, tốc độ mạng bị chậm hơn so với trước. Đây không chỉ là vấn đề từ các nhà cung cấp dịch vụ mà còn do thói quen sử dụng mạng Internet của người dân.
Gia tăng nhu cầu sử dụng mạng internet
Anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình anh ở chung cư, một đường internet không dây (wifi) hiện được chia cho 3 - 4 hộ gia đình sát cạnh nhau. Anh Tuấn làm nghề kinh doanh tự do, ngày trước vẫn làm việc ở nhà thấy mạng hoạt động tốt. Từ khi có dịch, các gia đình đều có nhiều người ở nhà hơn. Đặc biệt, trẻ con thường xuyên “ôm” máy tính bảng xem các chương trình trên mạng. Thậm chí một bé xem Youtube trên máy tính bảng, một bé chơi điện tử trực tuyến trên máy tính bàn nên khi anh Tuấn cần gọi điện thoại, gửi tài liệu, mở các tập ảnh đính kèm về mẫu sản phẩm thì đều chậm hơn trước.
Chị Nguyễn Bích Hạnh (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hai con chị đều học trực tuyến. Mỗi khi đến giờ học, chị thấy con than thở là mạng yếu, con không nhận được bài tập cô gửi. Tín hiệu đường truyền đứt quãng nên con không nghe được liền mạch những lời cô nói. Vì vậy cứ khi hai con có giờ học là cả nhà lại hạn chế dùng mạng. Chị cũng không dùng máy tính cá nhân để làm việc giờ đấy. Điện thoại cũng chuyển sang dùng dữ liệu 3G,4G, LTE để tránh ảnh hưởng đến việc học của con.
Em Trương Mỹ L (huyện Đông Anh, Hà Nội) có thời gian 15 ngày sống trong khi cách ly tập trung cho biết, hôm mới vào, do chưa có nhiều người vào khu cách ly, việc sử dụng mạng khá dễ dàng. Khi số người tại các khu cách ly tăng lên, mọi người đều dùng mạng nên có nhiều hôm dù máy điện thoại báo sóng dầy nhưng em cũng không thể gọi video cho người nhà được.
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều ví dụ về việc người dân khi thực hiện giãn cách xã hội, làm việc và học tập từ xa gặp phải những vấn đề khi dùng mạng Internet tại nhà. Theo số liệu thống kê, tổng lưu lượng chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) trong thời gian dịch COVID-19 đã tăng đến 40%. Lo ngại về việc đảm bảo chất lượng mạng đang là vấn đề được nhiều người dùng quan tâm.
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng viễn thông giảm cước băng thông kết nối tới 4 lần. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trích khoản kinh phí dự phòng để hỗ trợ, tiếp sức cho các phóng viên ngành, lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.
Nhằm ủng hộ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện tốt giãn cách xã hội mà vẫn duy trì được nhiều hoạt động như học tập, làm việc, khám chữa bệnh từ xa..., các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng tốc độ tối thiểu của nhiều gói cước dịch vụ truy nhập internet cố định lên 50% nhưng không tăng giá, tăng dung lượng sử dụng dữ liệu data của nhiều gói cước lên 50% nhưng không tăng cước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông di động đã miễn phí toàn bộ cước truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và thầy cô giáo khi thực hiện các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo. Có 43.000 trường học, 25 triệu giáo viên, học sinh được hỗ trợ sử dụng miễn phí các giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường đại học được miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho …
Ước tính, các nhà mạng đã chung tay hỗ trợ người dân hàng tỷ đồng mỗi tháng cho chi phí viễn thông, internet trong giai đoạn cả nước phòng, chống dịch. Tiếp theo, các doanh nghiệp viễn thông sẽ có chương trình giảm cước viễn thông với mức giảm lên tới 20% cho các đối tượng thuộc chương trình hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân của Chính phủ.
Đồng thời, tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị, các doanh nghiệp viễn thông sẽ cung cấp Internet không dây (wifi) miễn phí, các đối tượng là các cán bộ y tế, các đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, các tình nguyện viên và các khách hàng tại khu vực cách ly tập trung cũng được miễn cước.
Thay đổi thói quen dùng mạng
Chuyên gia công nghệ cho biết, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng mạng Internet. Trong đó, máy tính nhiễm virus là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho việc truy cập internet bị ảnh hưởng. Virus trong máy tính có thể sử dụng tín hiệu đường truyền Internet và tài nguyên hệ thống cho mục đích khác, khiến cho tốc độ kết nối mạng của máy tính bị chậm đi đáng kể, thậm chí có trường hợp còn không thể vào mạng được. Khi máy tính bị nhiễm virus, thời gian khởi động hoặc chạy các ứng dụng trên máy diễn ra lâu hơn so với bình thường. Trong quá trình sử dụng máy cũng thường xuyên bị treo và không hoạt động.
Nguyên nhân khiến cho máy tính bị nhiễm virus là người dùng thường xuyên cắm thẻ nhớ (USB) lạ vào máy nhưng lại không có phần mềm quét virus hoặc người dùng hay truy cập vào các địa chỉ bị nhiễm virus. Trong quá trình sử dụng, người dùng đã vô tình tải những file có đính kèm virus khiến virus hoạt động ngầm trong máy.
Để bảo vệ máy tính khỏi sự xâm nhập của những virus độc hại, chuyên gia bảo mật Tập đoàn công nghệ BKAV khuyên người dùng nhanh chóng tiến hành cài đặt các phần mềm diệt virus tốt nhất cho máy tính. Cần sử các phần mềm có bản quyền đầy đủ, như vậy thì hiệu quả diệt virus mới cao. Tại Việt Nam, BKAV có nhiều phần mềm diệt virus hiệu quả có với mức phí hàng năm khoảng 200.000 - 300.000 đồng /năm. Khi làm việc tại cơ quan, do máy tính của cơ quan thường được trang bị phần mềm chống virus, tường lửa ngăn chặn mã độc, nên hạn chế khả năng tấn công của virus hơn so với máy tính cá nhân. Ngoài ra, nhiều cơ quan sử dụng những gói đường truyền chuyên dụng nên tốc độ internet chắc chắn tốt, ưu việt hơn so với gói internet tại các gia đình.
Tại các gia đình, hai thiết bị phát tín hiệu Internet tại nhà là Modem và Switch thường xuyên cắm điện suốt 24/7. Chính vì thời gian hoạt động quá nhiều mà đôi khi các thiết bị này bị lỗi, làm chậm quá trình truy cập Internet hoặc không thể truy cập internet. Do vậy, nếu đường truyền tại gia đình có vấn đề, thì người dùng nên khởi động lại modem và kiểm tra lại tốc độ truy cập mạng cũng như các lỗi kỹ thuật có thể có đối với các thiết bị kết nối. Các nhà mạng thường hỗ trợ người dùng kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, thay mới các thiết bị này.
Do nhu cầu sử dụng internet của người dân ngày càng tăng cao nên các gia đình đều có xu hướng lắp đặt mạng internet không dây (wifi) riêng để sử dụng. Tuy nhiên có quá nhiều mạng wifi cạnh nhau lại có thể gây nên tình trạng chồng chéo kênh, nhất là ở khu vực nhà chung cư, nơi có nhiều hộ dân cùng sinh sống. Nếu hai bộ định tuyến cùng phát sóng trên một kênh ở cùng tần số thì tình trạng nhiễu chắc chắn sẽ xảy ra.
Nếu xảy ra trường hợp này, các gia đình có thể chọn một kênh để tránh tình trạng nhiễu trong khi cài đặt bộ định tuyến. Hiện nay các bộ định tuyến đều được chế tạo để có khả năng chọn kênh tự động hoặc sử dụng thêm bộ định tuyến băng tần kép cho cả hai tần số 2.4GHz và 5GHz sẽ giải quyết được vấn đề can nhiễu sóng.
Ngoài những vấn đề về kỹ thuật, thiết bị thì thói quen sử dụng máy tính cũng là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tốc độ trường truyền. Với những mạng xã hội nhiều người sử dụng phổ biến hiện nay (như Facebook, Instagram, Zalo)…, khi đồng thời mở nhiều các mạng này cũng gây giảm tốc độ truy cập internet của thiết bị máy tính, điện thoại thông minh.
Trong quá trình dùng máy, nếu người dùng tải các tệp có dung lượng lớn từ internet về máy tính thì chắc chắn kết nối sẽ bị chậm đi cho đến khi việc tải tư liệu hoàn tất. Trong quá trình một người sử dụng mạng để tải hoặc gửi một tài liệu có dung lượng lớn thì các thiết bị dùng chung mạng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thiết bị nào bắt sóng nhạy hơn sẽ chiếm quyền ưu tiên khi dùng mạng hơn. Vì vậy, nếu cần gửi hoặc tải những file dung lượng lớn, (nhất là các file hình ảnh, video, âm thanh, tư liệu, báo cáo…), người dùng cần chọn thời điểm ít người dùng mạng để tránh ảnh hưởng đến người khác.
Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, trong điều kiện các cáp quang inernet quốc tế hoạt động bình thường, chất lượng mạng, đường truyền của Việt Nam khá tốt so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng viễn thông của Việt Nam luôn được các doanh nghiệp viễn thông quan tâm chú trọng đầu tư, nâng cấp.
Thời điểm dịch bệnh, nhu cầu sử dụng mạng internet phục vụ các hoạt động làm việc, hội họp, học tập trực tuyến tăng cao, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người. Do đó, người dùng mạng cần có sử dụng tài nguyên chung một cách tiết kiệm. Cha mẹ nên nhắc nhở, kiểm tra các phần mềm con cái sử dụng để đảm bảo các con không chơi điện tử, xem các trang trực tuyến, đăng nhập cùng lúc nhiều địa chỉ. Ngoài ra, người dùng có thể phản ánh tình hình mạng với các đơn vị cung cấp để được hỗ trợ kịp thời trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.