Cụ thể, có một số đặc điểm khá tương đồng giữa 2 đại dịch. Ví dụ, trong đại dịch cúm Nga, các trường học, cơ quan công sở cũng phải đóng cửa do số người mắc bệnh tăng theo biểu đồ thẳng đứng. Những người mắc bệnh cũng mất khứu giác hoặc vị giác và chịu các hội chứng kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Theo các ghi chép từ chính phủ, tin tức trên báo chí và các bài viết thời đó, nhìn chung, số người cao tuổi tử vong vì cúm Nga cao hơn nhiều so với trẻ em. Điều này khác với các virus cúm mùa khi tỷ lệ tử vong ở 2 nhóm tuổi trên là tương đương.
Theo chuyên gia nghiên cứu bệnh cúm kiêm Giáo sư y khoa từ Trường Y Icahn ở New York, ông Peter Palese, dù những đặc tính trên giống đại dịch COVID-19 hiện nay một cách kỳ lạ nhưng giả thuyết rằng bệnh cúm Nga có thể do một chủng virus corona gây ra vẫn chỉ là một phỏng đoán.
Một số chuyên gia cũng đồng tình với phỏng đoán này nhưng cũng có người nghi ngờ vì chưa tìm ra bằng chứng đáng tin cậy để củng cố. Tiến sĩ Jeffery Taubenberger, trưởng khoa nghiên cứu mầm bệnh do virus tại Viện Dị ứng và dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và John Oxford, Giáo sư danh dự chuyên ngành virus học thuộc tại Queen Mary, Đại học London, hiện đang tìm kiếm những bằng chứng như vậy.
Các chuyên gia này đã nghiên cứu một số mẫu tế bào phổi từ thời đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 được lưu giữ nhằm tìm kiếm những dấu vết của virus cúm và virus corona. Trong những tế bào này, các nhà nghiên cứu hy vọng tìm thấy dấu vết của virus cúm Nga. Nếu các vật chất di truyền từ virus cúm Nga xuất hiện trong các tế bào phổi trên, các nhà nghiên cứu chờ mong sẽ tìm ra những thông tin về cách đại dịch này biến mất.
Nếu đại dịch từ cuối thế kỷ 19 là do một chủng virus corona gây ra, một số nhà khoa học cho rằng chủng virus đó có thể vẫn lưu truyền và là một trong số 4 chủng virus corona hiện đang gây ra những bệnh cảm lạnh thường thấy, không phải chủng có thể gây bệnh nặng.