Nghiên cứu mới: Điều kiện để virus Corona mất 90% khả năng lây nhiễm trong không khí

Virus Corona sẽ mất 90% khả năng lây nhiễm trong 20 phút trôi nổi trong không khí.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York (Mỹ) ngày 11/1. Ảnh: AP

Tờ Guardian (Anh) cho biết kết luận trên được đúc kết từ công trình của Trung tâm nghiên cứu khí dung thuộc Đại học Bristol (Anh). Nghiên cứu này đã tái nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lây lan COVID-19 trong phạm vi ngắn với giãn cách xã hội và đeo khẩu trang vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn. Việc thông gió vẫn hữu dụng nhưng có ảnh hưởng ít hơn.

Tiến sĩ Julian Tang tại Đại học Leicester (Anh) nhấn mạnh: “Khẩu trang rất hiệu quả, cũng như việc giãn cách xã hội. Cải thiện lưu thông không khí cũng hỗ trợ, đặc biệt nếu ở gần nguồn lây nhiễm”.

Giáo sư Jonathan Reid tại Đại học Bristol đánh giá: “Mọi người đã tập trung vào những không gian thông gió kém và nghĩ về sự lây truyền trong không khí qua nhiều mét hoặc xuyên qua căn phòng. Tôi không nói rằng điều đó không xảy ra, nhưng tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất là khi bạn ở gần ai đó. Khi bạn di chuyển xa hơn, virus sẽ giảm khả năng lây nhiễm”.

Các nhà nghiên cứu Đại học Bristol đã phát triển một thiết bị cho phép họ tạo ra phần tử nhỏ chứa virus và nhẹ nhàng cho chúng bay giữa hai vòng điện trong khoảng thời gian từ 5 giây đến 20 phút, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ, độ ẩm và cường độ tia tử ngoại của môi trường xung quanh chúng.

Nghiên cứu này vẫn chưa được đánh giá lại nhưng kết luận rằng khi các phần tử virus rời khỏi điều kiện tương đối ẩm và giàu carbon dioxide của phổi, chúng nhanh chóng mất nước và khô đi, trong khi đó quá trình chuyển sang nơi có mức carbon dioxide thấp hơn liên quan đến sự gia tăng nhanh chóng độ pH. Cả hai yếu tố này đều làm gián đoạn khả năng lây nhiễm sang tế bào người của virus. Tuy nhiên, tốc độ làm khô các phần tử virus thay đổi tùy theo độ ẩm tương đối của không khí xung quanh.

Khi độ ẩm thấp hơn 50% - tương tự như không khí tương đối khô ở nhiều văn phòng – virus đã mất khoảng một nửa khả năng lây nhiễm trong vòng 5 giây, sau đó sự suy giảm chậm hơn và ổn định hơn, với tỷ lệ mất thêm 19% khả năng trong 5 phút sau đó.

Ở độ ẩm 90% - gần tương đương với phòng xông hơi hoặc phòng tắm - sự suy giảm khả năng lây nhiễm của virus diễn ra từ từ hơn, với 52% phần tử chứa virus vẫn lây nhiễm sau 5 phút, giảm xuống khoảng 10% sau 20 phút, sau đó không có sự khác biệt giữa hai môi trường độ ẩm này.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng nhiệt độ trong không khí không ảnh hưởng tới khả năng lây nhiễm của virus.

Đội ngũ nghiên cứu đã thực nghiệm trên 3 biến thể của virus Sars-CoV-2 , bao gồm Alpha và họ dự kiến sẽ thử nghiệm với Omicron trong những tuần tới.

Hà Linh/Báo Tin tức
Cảm lạnh thông thường có thể tạo ra 'vũ khí đánh chặn' COVID-19
Cảm lạnh thông thường có thể tạo ra 'vũ khí đánh chặn' COVID-19

Theo nghiên cứu mới được công bố, cảm lạnh thông thường có thể tạo ra mức độ tế bào T cao hơn giúp con người ít có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN