Tổ chức thu tiền tiêm vaccine COVID-19 có thể phải chịu phạt tù đến 3 năm

Lợi dụng “có mối quan hệ”, Lê Thị Kim Dung, 32 tuổi (quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã dẫn 21 người không thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19 đến quận 11, TP Hồ Chí Minh tiêm với giá từ 2 - 4 triệu đồng/người. Hành vi của Dung đang khiến dư luận rất bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm.

Trước đó, tài khoản Facebook Kim Zunf công khai đăng nội dung cung cấp dịch vụ dẫn người đi tiêm vaccine COVID-19, rất nhiều bình luận cho biết sẵn sàng bỏ tiền để được tiêm vaccine. Tài khoản này đăng lên mạng và thông báo ai có nhu cầu có thể nhắn tin thông tin cá nhân để Kim Zunf lập danh sách rồi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người "môi giới". 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hồ Chí Minh đã truy tìm ra chủ tài khoản Facebook Kim Zunf tên thật là Lê Thị Kim Dung và bắt quả tang khi Dung đang tổ chức cho 2 người đến tiêm vắc xin tại Trường mầm non 10, phường 10, quận 11.

Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Thị Kim Dung về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo Điều 366 Bộ Luật hình sự (BLHS). Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Việc xác minh ban đầu và khởi tố vụ án, khởi tố bị can là điều cần thiết. Cơ quan chức năng cần làm rõ các mối quan hệ của Dung trong việc tiếp tay, tự ý đưa người vào danh sách được tiêm vaccine. Hành vi của Dung thì mức án có thể phải chịu là phạt tù đến 3 năm. Và số tiền, lợi ích kiếm được từ hành vi này là số lợi bất hợp pháp phải tiến hành nộp lại cho Nhà nước. 

Theo Điều 366, người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất                  

Theo luật sư Hoàng Tùng, từ hành vi của Dung, cơ quan điều tra cần điều tra, làm rõ những người trong cùng đường dây này gồm có những ai để xác định xem có đồng phạm hay không hoặc có tội phạm mới có liên quan hay không. Điều này còn vạch trần một sự thật đó là công tác thực hiện và cơ chế giám sát hoạt động tiêm chủng ở một số địa phương còn quá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những người có cơ hội để vi phạm. 

Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần phải tăng cường giám sát, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng một cách hiệu quả, bài trừ tiêu cực. Ngoài ra, các cán bộ và những người thực hiện công tác tiêm chủng cũng cần phải tuân thủ đúng quy định của luật pháp. Vaccine hiện được tiến hành tiêm trên diện rộng cho mọi người dân có đủ điều kiện. Vì thế, người dân trước tiên cũng nên có ý thức về công tác tiêm chủng. Là người đủ điều kiện về sức khỏe, độ tuổi, sẽ được tiêm vacxin. Người dân đặc biệt cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo về việc tiêm vaccine để tránh mất tiền oan mà còn vi phạm pháp luật.

Chủ trương và chính sách tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân đang được Chính phủ và chính quyền TP Hồ Chí Minh triển khai. Theo nhà chức trách, thời gian qua đã có một số cá nhân lợi dụng việc nhiều người có nhu cầu được tiêm sớm, lựa chọn thuốc, để thực hiện hành vi trục lợi như bị can Dung.

Trước đó, dư luận cũng từng có ý kiến về một số trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 không cần đăng ký, không đúng đối tượng, Trước vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ; đồng thời xử lý theo quy định và rút kinh nghiệm ngay, dứt khoát không để tái diễn.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông từng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với V.P.A. (sinh năm 1993, ở Hà Nội) về hành vi thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử cá nhân tạo lập trên mạng xã hội. Theo đó, V.P.A. bị xử phạt 12,5 triệu đồng do chia sẻ trên mạng không đúng về việc được ưu ái tiêm vaccine COVID-19.

 

Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi

1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ, hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2 - 7 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên.

b) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù 5 - 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Minh Phương/Báo Tin tức
Trục lợi hơn 60 triệu đồng từ 'sắp xếp' tiêm vaccine phòng COVID-19
Trục lợi hơn 60 triệu đồng từ 'sắp xếp' tiêm vaccine phòng COVID-19

Tối 21/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Kim Dung (sinh năm 1989, ngụ Quận 4) để điều tra về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN