Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thông tin được chuyển đi chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần chủ động đổi mới công tác cung cấp, định hướng thông tin cho báo chí, truyền thông; xóa bỏ tư duy, cách làm hành chính. Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố không ngừng chủ động nghiên cứu đổi mới chất lượng, hình thức công tác giao ban báo chí, họp báo cung cấp, định hướng thông tin. Đồng thời, cần đi trước, đón đầu, xây dựng kế hoạch dự báo chính xác các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp; chủ động thông tin đến với các cơ quan báo chí với hình thức phù hợp nhất; lấy độ chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin làm vũ khí sắc bén để làm chủ trận địa thông tin, không để đi sau mạng xã hội, không chạy theo dư luận.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Để kiểm chứng thông tin, chúng ta chấp nhận có độ trễ trong việc đưa ra thông tin chính xác nhưng độ trễ đó phải rút ngắn lại. Nhiệm vụ ở đây không chỉ riêng đối với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông hay Hội Nhà báo thành phố, mà còn ở từng đơn vị, sở, ban, ngành, địa phương trong phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả về cung cấp, định hướng thông tin”.
Thời gian tới, trên cơ sở các kế hoạch, định hướng của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị các cơ quan báo chí tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 119; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 29-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị…
Chủ đề năm 2021 của thành phố Đà Nẵng là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, theo đó, ông Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố, các cơ quan báo đài trên địa bàn tập trung xây dựng các kế hoạch, chương trình tuyên truyền đậm nét chủ đề năm 2021 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm hơn; phản ánh rõ nét hơn các chính sách, chủ trương, giải pháp của thành phố nhằm khôi phục sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn liền với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại hội nghị, các phóng viên, nhà báo cũng đã góp ý về những tồn tại trong công tác cung cấp thông tin của các cơ quan thành phố Đà Nẵng như: tổ chức nhiều hơn những cuộc họp báo cung cấp thông tin sau các sự kiện lớn; các sở ngành cần hoàn thiện việc công khai số điện thoại của người phát ngôn; các cơ quan chủ động hơn trong công tác cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí...
Dịp này, 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin – truyền thông năm 2020 đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 5 cơ quan báo chí địa phương và có sự hiện diện của 113 cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương. Tổng số người làm trong các cơ quan báo chí khoảng 800 người. Năm 2020, các cơ quan báo chí đã thực hiện khoảng 150.000 tin, bài về thành phố Đà Nẵng, tăng 25% so với năm 2019.