Sáng 9/10, khi tàu cá ĐNa-90988-TS đang chạy vào tránh trú tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) thì bị mất liên lạc. Chủ tàu là bà Nguyễn Thị Mộng Trinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết trên tàu có 2 thuyền viên là ông Đinh Văn Thanh và 1 người chưa rõ họ tên. Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng, cứu hộ cứu nạn thành phố Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực phối hợp tìm kiếm 2 thuyền viên này.
Cũng do mưa lớn, sáng 10/10, ông Thái Bá Thuận (42 tuổi, ngụ thôn Phước Nhơn, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang) bị nước lũ cuốn mất tích khi đi đánh cá tại đập Đồng Nghệ. Hiện lực lượng công an, dân phòng và người nhà đang tích cực triển khai tìm kiếm nạn nhân.
Về thiệt hại vật chất, có 3 tàu cá đã bị chìm (ĐNa-91066-TS; ĐNa 30873-TS; ĐNa 07070-TS), 1 tàu cá bị mất tích (ĐNa 90988-TS) trong ngày 9-10/11. Đến ngày 11/11, đã có thêm tàu Đông Bắc 2203 bị mắc cạn tại vùng biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Theo thống kê, tính đến 7 giờ ngày 11/10, vẫn còn 8 tàu với 79 lao động đang hoạt động trên biển. Các phương tiện này đã nắm được thông tin về thời tiết nguy hiểm để tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn.
Trước đó, do mưa lũ lớn, ngập lụt nhiều nơi, các quận huyện ở thành phố Đà Nẵng đã tiến hành sơ tán, đảm bảo an toàn cho 754 hộ dân (2.567 người). Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành tiếp tục triển khai Công điện chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 10/10/2020 của Chủ tịch UBND thành phố. Các sở, ngành và các địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; sơ tán nhân dân; triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường để đảm bảo thoát nước, vệ sinh; khắc phục các cây xanh bị ngã đổ, sẵn sàng triển khai phương án khắc phục hậu sau mưa lũ...
Sáng 11/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 6 trong năm 2020 (bão LINFA). Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Đến 16 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo, đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam là từ 500-700mm. Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang xuống chậm, các sông thuộc thành phố Đà Nẵng đang dao động ở mức dưới báo động 2. Các hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương tiếp tục xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ...