Lực lượng chức năng luôn túc trực 24/24 để tiếp tế lương thực và ứng phó với các sự cố xảy ra, đồng thời sẵn sàng các phương án di dời hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.
Ngày 10/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1973 thôn Hoàng Giang, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) bị lũ cuốn trôi từ chiều 8/10. Một nạn nhân khác cũng bị lũ cuốn mất tích là chị Hồ Thị Liêu, sinh năm 1973 (dân tộc Chứt), trú tại bản Tà Rà, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang huy động lực lượng, tích cực tìm kiếm nạn nhân. Ngoài ra, theo thông tin xác nhận từ Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, người dân địa phương vừa phát hiện 1 thi thể đàn ông khoảng 45-50 tuổi (chưa rõ danh tính) bị trôi dạt vào bờ biển. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp y, Chính quyền xã Hải Ninh đã tổ chức mai táng cho nạn nhân.
Ghi nhận của phóng viên ở vùng "rốn lũ" xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã có khoảng 600 ngôi nhà bị ngập sâu; trong đó, có nhiều nhà ngập sâu đến 3m, một số nhà chỉ còn trơ lại nóc. Trụ sở ủy ban xã, các trường học cũng chìm trong nước. Tuy nhiên, nhờ những ngôi nhà nổi được thiết kế đặc biệt nên cuộc sống người dân vẫn được đảm bảo.
Tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, nước đã ngập toàn bộ xã, hơn 1.800 hộ bị cô lập hoàn toàn. Nước lũ dâng ngập sâu từ 0,5 đến hơn 3m, có nơi sâu đến 5m, một số thôn bị chia cắt, khó tiếp cận do nằm xa trung tâm xã, trong khi trời vẫn tiếp tục mưa kèm gió mạnh. Thăm hỏi, động viên cho bà con đang bị ngập lụt tại đây, Đoàn công tác Công an tỉnh Quảng Bình do Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc làm trưởng đoàn đã trao 200 suất quà gồm mỳ tôm, lương khô và nước sạch cho bà con.
Hiện nay, lượng mưa đã giảm, lũ trên sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang đang xuống chậm nhưng vẫn trên báo động III, trên sông Gianh lũ dao động ở mức báo động I-II. Nhiều tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ bị ngập, ách tắc cục bộ như tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 1, 15, 12A, 9B, 9C; Tỉnh lộ 559, 559B, 562, 564, 569, 567.
Thống kê thiệt hại ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 877 ha nuôi trồng thủy sản, 90 lồng cá, 314 ha cây trồng hàng năm, 1146 ha hoa màu, 12 ha lúa của người dân bị hư hại nặng; 2 tàu cá bị chìm và hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ...
Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng chức năng đã di dời 266 hộ (huyện Tuyên Hóa 148 hộ, Lệ Thủy 59 hộ, Quảng Ninh 54 hộ, thành phố Đồng Hới 5 hộ) về nơi an toàn; đồng thời, rà soát kiểm tra những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các vùng núi, sông suối, ven biển sẵn sàng các phương án di dời hàng nghìn người dân đến nơi tránh trú an toàn.