Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm, rượu thốt nốt 29 độ, rượu Cà Na, nước màu thốt nốt, cá tra phồng, gạo sữa, trà (túi lọc) xạ đen, tương đậu, nước cốt dâu tằm, tung lò mò còn gọi là lạp xưởng bò, gạo thơm Ngọc Nhân, khô cá lóc, nước ép xoài, trà mãng cầu, rượu đinh lăng, nhãn xuồng... Các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao như: Cá Linh kho mía, mắm cá Linh chưng, đường thốt nốt sệt Palmania, sản phẩm tương hột, bánh hạnh nhân, nước màu thốt nốt nguyên chất, đường thốt nốt (dạng bột) MOUN7AINS, đường thốt nốt cô đặc MOUN7AINS, rượu vang thốt nốt 12%VOL, tranh lá thốt nốt...
Tính đến cuối tháng 10/2020, tỉnh An Giang đã có 5 sản phẩm rất đặc trưng từ gạo và đường thốt nốt có tiềm năng đạt OCOP 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận cho 2 doanh nghiệp.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thực sự là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình đã được cộng đồng tích cực đón nhận; các sản phẩm tham gia chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã,...
"Sau khi đánh giá, phân hạng tỉnh An Giang đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sao; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau. Đây là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn đồng thời tạo sự lan tỏa để chương trình được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới", ông Thọ khẳng định.
Mặc dù, số lượng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận của tỉnh An Giang còn khá khiêm tốn so với một số tỉnh bạn và chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhưng đây là động lực để tỉnh phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đánh giá, phân hạng cấp giấy chứng nhận sao cho các sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng khác nhau theo đề xuất của địa phương.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang khẳng định, Chương trình OCOP là một chương trình mở, không rập khuôn, là một hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế, tập trung tái cấu trúc và thành lập mới doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP.
Ông Lâm nhấn mạnh, Chương trình OCOP là hướng đi đúng, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nội lực, với điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương. Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất - là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng bền vững...