Long nhãn sấy khô của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh (huyện Sông Mã) là một trong những sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh Sơn La năm 2019. Với nhiều năm làm nghề sấy long nhãn, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh mỗi năm chế biến khoảng 200 tấn quả nhãn tươi, tương đương 20 tấn long nhãn. Đặc biệt, bằng việc áp dụng công nghệ sấy nhiệt sạch đã cho sản phẩm long nhãn năng suất, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường và đảm bảo các yếu tố về môi trường, cũng như sức khỏe con người.
Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh thông tin, ngày trước, long nhãn sấy khô bằng phương pháp thủ công đốt than đá, một ngày chỉ làm được 50 cân đến 1 tạ. Bây giờ, long nhãn sấy khô bằng công nghệ sấy nhiệt sạch, công suất một ngày lên tới 5 đến 6 tạ.
Năm 2020, với sản lượng nhãn của huyện Sông Mã đạt 50 nghìn tấn; trong đó, khoảng 30% sản lượng nhãn được chế biến thành long nhãn để tiêu thụ và xuất khẩu. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sản phẩm long nhãn trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh Sơn La.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho biết, để đảm bảo xây dựng sản phẩm OCOP, huyện đã chỉ đạo các hợp tác xã đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm và quảng bá sản phẩm long nhãn. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đầu vào đến chế biến và mẫu mã bao bì, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua và các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Một sản phẩm OCOP tiêu biểu nữa của tỉnh Sơn La phải kể đến cá tép dầu khô sông Đà của Hợp tác xã Thái Tuấn (huyện Quỳnh Nhai). Cá tép dầu khô sông Đà gần giống cá chỉ vàng nhưng lại có vị thơm ngon khác lạ, được mọi người ưa thích và đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh Sơn La năm 2019.
Bà Đinh Thị Yến, Giám đốc Hợp tác xã Thái Tuấn cho biết, để có được sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà, hợp tác xã đã đứng ra thu mua cá từ người dân, rồi chế biến ra một sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cá tép dầu sông Đà được đóng gói bao bì hoàn chỉnh, có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Hiện sản phẩm được trưng bày tại gian hàng OCOP của địa phương.
Mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nhãn mác thương hiệu và vươn ra các thị trường. Để giúp các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững.
Đến nay, tỉnh Sơn La đã chứng nhận 28 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và 19 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Sơn La, như: Cá tép dầu khô sông Đà (Hợp tác xã Thái Tuấn, huyện Quỳnh Nhai); mận sấy gừng, mận sấy mật ong và mận sấy thảo dược (Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, huyện Mộc Châu); trà xanh mây Tà Xùa (huyện Bắc Yên); Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc; hồng giòn sấy dẻo (Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu); cà phê bột nguyên chất và trà vỏ cà phê của Hợp tác xã cà phê Bích Thao Sơn La; chè Trọng Nguyên - Phổng Lái (Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, huyện Thuận Châu); long nhãn sấy khô (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, huyện Sông Mã)… Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP.
Năm 2020, tỉnh Sơn La đang phấn đấu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cấp 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao; ít nhất 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; phát triển thêm 35 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. Đồng thời, tỉnh Sơn La triển khai thực hiện phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản của địa phương, hệ thống chấm điểm và bộ nhân diện OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, Chương trình OCOP đã giúp các địa phương lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều tiêu thụ tốt, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, với lợi thế về nông nghiệp, tỉnh Sơn La sẽ có những sản phẩm OCOP đặc trưng so với các tỉnh, thành khác.
Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, vì lợi ích của người dân, hướng đến xuất khẩu. Đây được xem một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh Sơn La trong những năm tiếp theo về thực hiện Chương trình OCOP.