Bà Rịa-Vũng Tàu: Định hình một đô thị xanh và bền vững

Sau 30 năm xây dựng và phát triển (12/8/1991-12/8/2021), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đây sẽ là những cơ sở vững chắc để tỉnh phát triển thành một đô thị xanh và bền vững trong tương lai không xa.

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Nhiều thành tựu nổi bật

Là địa phương có thế mạnh về biển như đánh bắt hải sản, du lịch, dầu khí và cảng biển nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn luôn quan tâm, phát triển vùng nông thôn để tạo sự cân đối, ổn định cho toàn tỉnh. Nổi bật là đến nay, tỉ lệ người dân nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh lên tới 99,8% (năm 1991 là 46%), trong đó hơn 92% dân số nông thôn sử dụng nước máy. Đây là con số ấn tượng, mơ ước của nhiều địa phương trong cả nước trong nhiều năm qua.

Các hồ, đập xây mới đã nâng tổng dung tích của các hồ chứa toàn tỉnh tăng dần từ hơn 46 triệu m3 vào năm 1991 lên hơn 316 triệu m3 hiện nay góp phần giúp ngành chăn nuôi, trồng trọt có bước phát triển vượt bậc, mức sống của người dân nông thôn được nâng cao. Hiện nay, hàng ngày, các hồ cung cấp 645.000m3 nước bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Chỉ tính riêng 6 đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch cho các đô thị của tỉnh hiện nay mỗi ngày khai thác 360.500m3, tăng gần 17 lần so thời điểm thành lập tỉnh năm 1991 (21.400m3/ngày) cho thấy tốc độ phát triển về kinh tế-xã hội rất nhanh của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6/2021, có 45/45 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 19/45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/năm đã đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Tạ Quốc Trung cho biết, ngoại trừ các thành phố trực thuộc Trung ương, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt 58,8% vào năm 2020.

Những tiềm năng, lợi thế của địa phương đã sớm được tỉnh phát huy tối đa. Nhờ đó, nhiều năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là điểm sáng của cả nước về phát triển công nghiệp, cảng biển, đóng góp lớn cho ngân sách. Đến nay, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng duy nhất ở Việt Nam và là một trong 20 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận những con tàu container lớn nhất thế giới cập cảng làm hàng. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát triển trở thành Trung tâm điện lực, sản xuất thép và khí lớn nhất cả nước, trong đó các nhà máy điện sản xuất và phát lên lưới điện khoảng 40% sản lượng điện quốc gia…

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Tấn Cường, trong suốt nhiều năm liền, tỉnh luôn nằm trong top đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến cuối năm 2020, tỉnh đã thu hút 412 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.745 triệu USD. Một số Tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đang có hoạt động đầu tư tại tỉnh như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, SCG. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút 621 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 305.000 tỷ đồng.

Định hình một đô thị xanh

Với những thành quả đạt được trong 30 năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đang bước vào giai đoạn phát triển mới hướng đến một đô thị xanh, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường.

Thực tế, tỉnh đã từ chối nhiều dự án không đạt các yêu cầu trên, trong đó có dự án lên tới 1 tỉ USD. Tỉnh yêu cầu di dời một phân xưởng nhuộm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meisheng Textiles Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước Hồ Đá Đen huyện Châu Đức về Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A2 (thị xã Phú Mỹ) hay đình chỉ hoạt động một loạt nhà máy chế biến hải sản không bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường tại Khu chế biến hải sản tập trung Tân Hải…

Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch, xây dựng xong chiến lược bảo vệ an ninh, an toàn hồ đập, nguồn nước trên địa bàn, trong đó đến nay tỉnh thực hiện chấm dứt hoạt động hoặc di dời hầu hết cơ sở sản xuất, chăn nuôi, giết mổ ra khỏi khu vực hành lang bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt; lập danh mục dự án không thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư ở thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt. Tỉnh dừng hoạt động 15 nhà máy nước ngầm nằm rải rác trên địa bàn nhằm bảo vệ an toàn cho nguồn nước ngầm của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, trong đó bảo đảm đến năm 2023, 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn loại A. Đối với vùng nông thôn, tỉnh phấn đấu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.

Đến nay, định hướng các quy hoạch phát triển, nhiệm vụ đề ra để phát kinh tế-xã hội, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu lên một tầm cao mới đã rất rõ ràng. Đó là tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics cụm cảng Cái Mép-Thị Vải; xây dựng, phát triển hành lang kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch dọc tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Hồ Tràm theo hướng cao cấp, khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường ven biển…

Tỉnh triển khai hàng loạt các giải pháp như thực hiện đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh... Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ về nguồn lực, con người giúp đẩy nhanh việc xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số tại địa phương.

Những định hướng phát triển rõ ràng với các giải pháp đồng bộ, cụ thể đề ra và đang được thực hiện quyết liệt đã làm nức lòng cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Người dân tin tưởng hơn vào hệ thống chính trị, chính quyền, thể hiện rõ nhất là sự đồng lòng, chung tay chống dịch COVID-19 đang rất hiệu quả tại địa phương và đây sẽ là động lực lớn để tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Mạnh Dương (TTXVN)
Kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ giãn cách theo Chỉ thị 15 đến 25/8
Kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ giãn cách theo Chỉ thị 15 đến 25/8

Kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ giãn cách theo Chỉ thị 15 đến ngày 25/8 là thông tin bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định tại cuộc họp báo trực tuyến vào sáng 11/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN