Dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Tổng cục Môi trường là chủ Dự án. Dự án thực hiện trên quy mô toàn quốc, trong vòng 5 năm với các nội dung cập nhật và chỉnh sửa Kế hoạch hành động thành phố xanh (GCAP) và cải thiện chất lượng môi trường, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch môi trường đô thị tổng thể đối với thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), thành phố Huế ( tỉnh Thừa Thiên - Huế) và thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); xây dựng cơ chế tài chính duy trì các giải pháp phát triển xanh và chống chịu khí hậu tại các đô thị loại II. Sau khi đánh giá kết quả kế hoạch hành động thành phố xanh, thông minh tại các thành phố: Hà Giang, Huế và Vĩnh Yên, trong thời gian tới, dự án sẽ xây dựng kế hoạch này cho 6 đô thị loại II khác và triển khai thí điểm một số nội dung trong kế hoạch tại các đô thị được lựa chọn.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Dự án cho biết, đây là dự án quan trọng mang tính hành động cấp bách. Do đó, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tập trung cụ thể hóa quy định về môi trường, phạm vi đô thị loại II; quy hoạch phát triển đô thị nói chung và đô thị loại II nói riêng (thiết kế tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chính sách liên quan đưa chủ trương xây dựng kinh tế tuần hoàn, cơ chế chính sách về tài chính, nguồn lực chỉnh trang đô thị…).
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng cần nghiên cứu mở rộng phạm vi thêm đô thị loại II ở Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên theo hướng đô thị mới thông qua các cơ chế chính sách, quy định về tiêu chí môi trường và tiêu chuẩn thích ứng với biến đổi khí hậu; tiến tới trình Chính phủ nhằm giải quyết mục tiêu chung tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển xanh các đô thị loại II; lồng ghép các quy định thúc đẩy lối sống xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, cải thiện chất lượng môi trường đô thị theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chính sách pháp luật quốc gia.
Để thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc phát triển xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Trần Ngọc Hải, Trưởng ban Dự án tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trước mắt tỉnh cần hoàn thiện Chiến lược tổng thể phát triển xanh và bền vững cho đô thị trung tâm; kế hoạch chi tiết và các công cụ giải pháp để huy động tổng thể các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, tỉnh đề nghị có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương tăng cường về năng lực, chế độ, chính sách cho đô thị loại II (là các thành phố trung tâm của các tỉnh) để triển khai trực tiếp các chiến lược phát triển, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cần có sự hỗ trợ phát triển cộng đồng nông nghiệp hữu cơ, tự động hóa nông nghiệp, công nghiệp từ các nhà tài trợ, nhà đầu tư, cùng nguồn vốn xã hội hóa; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đô thị về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện các địa phương tham gia triển khai dự án thảo luận và đề xuất các giải pháp, xem xét, sửa đổi quy hoạch các đô thị cũ; mở rộng cập nhật kế hoạch hành động thành phố xanh cho 6 đô thị loại II khác...
Từ thực tiễn triển khai tại các địa phương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cần xác định rõ các sản phẩm của các bộ, ngành, địa phương liên quan. UBND các tỉnh cần sớm xây dựng các văn bản quy chuẩn pháp luật; tổ chức tham vấn các địa phương về các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh thông minh, biến đổi khí hậu…
Ngân hàng Phát triển châu Á cần chủ động đưa các tiêu chí tiêu chuẩn, liên quan đến bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh, thông minh, biến đổi khí hậu; cử các chuyên gia có năng lực cùng xây dựng thể chế đô thị xanh, thông minh...