Theo đó, độ mặn trên hai sông Bạc Liêu, Gành Hào, các sông, kênh vùng chuyển đổi trong hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp dự kiến sẽ cao hơn 4g/lít. Các khu vực ảnh hưởng chính gồm các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và thị xã Giá Rai. Dự báo, từ tháng 12/2024 - 1/2025, khu vực vùng sản xuất lúa tôm của huyện Hồng Dân có nguy cơ thiếu nước nuôi tôm, trong khi đó, ở vùng sản xuất lúa ổn định, khả năng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến quá trình bơm lấy nước ngọt của nông dân.
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, để chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng công trình cống điều tiết nước, xây dựng ô đê bao khép kín kết hợp trạm bơm, nâng cấp mở rộng các cống hiện trạng có khẩu độ nhỏ. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp xây dựng và thực hiện lịch điều tiết nước linh hoạt, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi kết hợp lịch thời vụ sản xuất thuộc 2 vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A tại tỉnh. Các ngành, các cấp của tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân biết tình trạng thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập để chủ động điều chỉnh lịch thời vụ, xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025 sớm hơn nhằm "né" hạn mặn; đồng thời áp dụng biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất, sinh hoạt kết hợp với trữ nước…
Cụ thể, đối với vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, Bạc Liêu dự kiến xuống giống 45.000 ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và tăng cường các hoạt động khuyến cáo, hướng dẫn để nông dân và các địa phương chuẩn bị tốt cho vụ mùa; đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện giải pháp chủ động phòng tránh rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên, sử dụng cơ cấu giống lúa thơm, giống đặc sản như Ðài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM… và các giống lúa mới phù hợp với điều kiện địa phương, cho năng suất và chất lượng cao, chống chịu được một số dịch hại quan trọng.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng chủ động phối hợp với các tổ hợp tác, hợp tác xã vận hành tối đa các trạm bơm tập trung để tháo nước ra kênh lớn, tiến hành gieo sạ đồng loạt. Đối với các vùng trũng, thấp, chưa có trạm bơm, các địa phương cũng chủ động khuyến cáo để nông dân có phương án bơm tát phù hợp, tránh tình trạng gieo sạ riêng lẻ dẫn đến việc bị chuột cắn phá và ngập úng cục bộ.
Là một trong những tỉnh cuối nguồn nước ngọt, hàng năm vào mùa khô, Bạc Liêu thường chịu nhiều tác động bất lợi của xâm nhập mặn. Để đảm bảo ứng phó với triều cường, xâm nhập mặn và chống ngập úng, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng các dự án như: Dự án xây dựng các cống dọc theo bờ Tây kênh Ngan Dừa - Cầu Sập (18 cống), huyện Vĩnh Lợi và huyện Phước Long, nguồn vốn dự kiến 300 tỉ đồng; Dự án nâng cấp hệ thống các cống dọc theo Quốc lộ 1A (21 cống), thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi, nguồn vốn dự kiến 500 tỉ đồng. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A, nhất là hạng mục xây dựng trạm bơm tại cống Cầu Sập.