Bảo hiểm xã hội - chỗ dựa an vui khi tuổi xế chiều

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 4/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội của toàn tỉnh là 47.246 người, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện là 8.023 người (tăng 358 người so với tháng trước); bảo hiểm thất nghiệp là 32.887 người và bảo hiểm y tế là 497.347 người.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, chiều 5/11/2020. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Công tác giải quyết chế độ cho người tham gia, thụ hưởng luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời đã góp phần tích cực củng cố niềm tin của người dân trên địa bàn đối với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, các chính sách này tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp nhân dân.

106 tuổi, 44 năm hưởng lương hưu

Là một tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí không đồng đều nhưng tại Kon Tum, nhiều người dân, người lao động từ lâu đã hiểu được giá trị của chính sách bảo hiểm xã hội. Nhiều người đang thụ hưởng chế độ lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế từ chính sách bảo hiểm xã hội và cũng có không ít người đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai.

Ở tuổi 106, ông A Thiêng, dân tộc H’Rê (ở thôn Vi Kơ Lâng, xã Hiếu, huyện Kon Plông) sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc khi không phải nương tựa vào thu nhập của con cháu. Từng có thời gian tham gia cách mạng, sau đó làm Bí thư Chi bộ xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) và Huyện ủy viên, Chủ tịch Mặt trận huyện Kon Plông, sau bao năm lao động, cống hiến, ông A Thiêng về nghỉ chế độ và được hưởng lương hưu từ tháng 1/1977. Đến nay, ông đã có 44 năm hưởng lương hưu với mức lương hưu hằng tháng 4,4 triệu đồng.

Nhờ có lương hưu, ông A Thiêng đã sống an vui ở tuổi xế chiều bên con cháu mà không phải vất vả làm ruộng, nương rẫy để lo cho cuộc sống như nhiều người già ở vùng đất Tây Nguyên này. Cho dù số tiền lương hưu hằng tháng của ông có thể không lớn với nhiều người, song ở vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn như thôn Vi Kơ Lâng, số tiền ấy thậm chí còn hơn cả thu nhập của một gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều người già trong làng, trong xã Hiếu, đó còn là cả một niềm mong ước…

“Hôm trước, nhận được thông báo Nhà nước chi trả gộp 2 tháng lương vào cùng một đợt, Già phấn khởi lắm liền ra Bưu điện xã lĩnh luôn. Đang bảo lát nữa sẽ đưa cho thằng cháu một ít đi mua dầu ăn, mắm muối... Lần nào cũng vậy, cứ nhận lương về là Già chia 3 phần, một phần để mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình, một phần để mua thức ăn hằng ngày, còn một ít cất đi phòng khi có việc cần thì lấy ra dùng”, ánh mắt rạng rỡ, ông A Thiêng hạnh phúc rút trong túi áo ra số tiền lương hưu vừa được lĩnh ra khoe.

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Thiêng cho biết, các con của ông đều làm nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, với đồng lương hưu, ngoài việc giúp ông tự chăm lo cho tuổi già của bản thân, ông còn trích một phần lương hưu để hỗ trợ cho các con nuôi các cháu ăn học. Ông tâm sự: “Già thật lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và cả bảo hiểm xã hội nữa, đã giúp Già có lương hưu. Bao nhiêu năm nay, nhờ lương hưu mà Già và gia đình sống khỏe đấy. Lúc Già đau ốm, cái thẻ bảo hiểm y tế cho tiền chữa bệnh hết. Nếu như không có tiền lương hưu của Già thì cuộc sống của con cháu chắc sẽ chật vật lắm”.

Theo số liệu nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội công bố mới đây tại Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa”, trong số 13,4 triệu người già, có khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân, hoặc chật vật mưu sinh kiếm sống. Số còn lại, đa phần được hưởng lương hưu có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, có thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội cấp miễn phí để yên tâm sinh sống, an hưởng tuổi già nhờ vào việc đã tham gia bảo hiểm xã hội.

Chắt chiu thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Là một lao động tự do mấy chục năm, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thấm hiểu rất rõ điều này. Gần 45 tuổi, ông mới vào làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cho đến lúc đủ 60 tuổi vào đầu năm 2021, tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của ông mới được 15 năm. Một số người khuyên ông nên rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng ngẫm nghĩ lấy bảo hiểm xã hội một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, ông đã quyết định lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe khi về già.

“Lấy bảo hiểm xã hội một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên từ tháng 12/2020, tôi đã quyết định đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho 58 tháng còn thiếu để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”, ông Bùi Minh Nhật tâm sự.

Với sự lựa chọn, đầu tư hiệu quả, hiện ông Nhật đã được gặt hái “trái ngọt” với số tiền lương hưu gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ông Nhật chia sẻ: “Số tiền tuy không lớn nhưng ít nhất cũng giúp tôi có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí giúp tôi an tâm hơn, bởi với tuổi già bệnh tật chả báo trước. Hiện tại, tôi vẫn còn khỏe để đi làm, vợ tôi cũng có lương hưu hằng tháng nên cuộc sống an ổn lắm”.

Cũng như ông Bùi Minh Nhật, nhiều người dân tại tỉnh Kon Tum làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, nghề nông, làm thuê… đã và đang lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động tự do hay bất cứ công dân Việt Nam nào từ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tham gia vào lưới an sinh xã hội của Nhà nước, để khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hằng tháng trang trải cuộc sống và trong suốt quá trình hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe.

Vân Phương (TTXVN)
Đẩy mạnh cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số ở Kon Tum
Đẩy mạnh cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số ở Kon Tum

Kon Tum là một trong 10 địa phương được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chọn thí điểm sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID), đặc biệt là sử dụng ảnh thẻ bảo hiểm y tế thay cho thẻ giấy để đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Với nhiều tiện ích mà ứng dụng mang lại, Bảo hiểm xã hội số được người dân và chính quyền Kon Tum đánh giá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN